Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp kỳ vọng gì?

08:16, 30/08/2023

Chính sách tài khóa và tiền tệ trong thời gian qua đã có dấu hiệu chuyển đổi từ "thắt chặt" sang "nới lỏng" một phần. Đây là tin vui và đem đến nhiều kỳ vọng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp (DN). 

Kỳ vọng giải bài toán vốn

Thời gian gần đây, hàng loạt giải pháp "nới lỏng" chính sách tài khóa và tiền tệ được triển khai đã tạo nên kỳ vọng về nhiều mặt, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đối với DN, nhờ chính sách tài khóa "nới lỏng" sẽ giúp tích lũy tài sản tăng, chi phí sản xuất giảm, tăng lợi nhuận, tạo tiền đề cho đầu tư tăng. Không chỉ tăng nguồn vốn tự có của bản thân DN, mà còn góp phần tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng. Qua đó, góp phần lưu thông dòng tiền của các ngân hàng mạnh mẽ hơn.

Các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất khó tiếp cận với các gói vay dài hạn. (Trong ảnh: Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk).

Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE chia sẻ: “Đối với DN sản xuất và thương mại có quy mô vừa và nhỏ như chúng tôi, để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng và đảm bảo độ ổn định của sản phẩm thì DN cần nguồn vốn vay ưu đãi để có thể mở rộng quy mô sản xuất bằng cách đầu tư nhà xưởng mới. Vì vậy, khi chính sách tín dụng được "nới lỏng", chúng tôi kỳ vọng rằng nhóm các DN sản xuất và thương mại sẽ được ưu tiên tiếp cận vốn vay ưu đãi đầu tiên. Vì theo quan điểm của tôi, DN sản xuất thương mại là nhóm kinh tế đóng góp chính vào lưu thông dòng tiền, tạo công ăn việc làm ổn định và tạo thặng dư kinh tế chính cho nền kinh tế thị trường”.

 
Hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của DN gặp rất nhiều khó khăn, chi tiêu trong dân thấp. Vì vậy cần có những giải pháp vĩ mô như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để có dòng tiền kích thích chi tiêu trong xã hội”.
 
Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk

Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đắk Lắk Phạm Đông Thanh, hiện nay có đến 97% DN trên địa bàn tỉnh là quy mô nhỏ và vừa. Đặc điểm của các DN này là nguồn vốn thấp và phụ thuộc rất nhiều vào vốn vay. Do vậy chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các DN. Khi chính sách tiền tệ được "nới lỏng", các DN có thêm nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực sản suất, cũng như đổi mới thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, khi có nguồn vốn lưu động sẽ giúp DN chủ động dự trữ nguyên vật liệu, có vốn để tồn kho thành phẩm, cũng như chủ động, linh hoạt trong khâu bán hàng như bán hàng trả chậm, trả góp, công nợ… nhằm tăng cường tiêu thụ sản phẩm.

Cần những giải pháp dài hạn

Ghi nhận từ phía DN cho thấy, tuy chính sách tài khóa, tiền tệ đã “dễ thở” hơn, nhưng với DN có quy mô vừa và nhỏ, thách thức lớn của họ là mức độ tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi thường thấp do có ít tài sản đảm bảo. Ngoài ra, hiện nay Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) vẫn chưa thông báo ngưng tăng lãi suất, nên thời gian vốn vay ưu đãi trong nước khó có thể kéo dài vì nền kinh tế nước ta vẫn phụ thuộc vào kinh tế chung cả thế giới.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh huyện M'Drắk.

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho rằng, các chính sách tài khóa, tiền tệ, đặc biệt là tín dụng được "nới lỏng" sẽ giúp các DN kinh doanh thương mại thuận lợi hơn trong việc mua, bán và vay những khoản ngắn hạn. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là các DN có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, xây dựng nhà xưởng lại khó tiếp cận với những gói vay trung dài hạn, vì hiện nay các gói này vẫn chưa được triển khai.

Nhiều DN khác cũng cho rằng, cần kéo dài thêm thời gian cũng như cần có những giải pháp dài hạn hơn vì hiện nay các chính sách còn mới và giải pháp vẫn còn ngắn hạn, còn ít so với những “nút thắt” mà DN đang phải đối mặt. Chẳng hạn như đối với giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% là vẫn còn ít. Hơn nữa, nếu chỉ có hiệu lực trong một năm, thậm chí hai năm và việc thực hiện chậm như vừa qua, thì nhiều DN sẽ bị “lỡ”. Hay như đối với giải pháp lãi suất cho vay, dù đã giảm, nhưng nếu vẫn còn ở mức 9,3% thì còn quá cao vì mức này vẫn gấp trên hai lần tỷ suất lợi nhuận chung của khu vực DN. Hơn nữa, việc hạ lãi suất điều hành mới ở thị trường 2 - thị trường tiền tệ liên ngân hàng, nơi diễn ra các quan hệ vay mượn, mua bán tiền tệ lẫn nhau giữa các định chế tài chính, giữa Ngân hàng Trung ương với các định chế tài chính, việc tác động đến thị trường 1 (nơi diễn ra giao dịch giữa các định chế tài chính với DN và người dân) đòi hỏi phải có thời gian và sự chuyển động của các tổ chức tín dụng. Còn đối với các tổ chức tín dụng, vấn đề đặt ra là nguồn cung tiền và hạn mức cho vay mà một ngân hàng có thể cung cấp (room tín dụng).

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc