Huyện Krông Năng: Diện mạo đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn huyện Krông Năng đã thay đổi rõ nét, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Năm 2010, bắt tay xây dựng NTM, lợi thế đối với huyện Krông Năng rất ít bởi vào thời điểm đó còn 4 xã thuộc khu vực III, thu nhập phần lớn từ sản xuất nông nghiệp, trong khi giá cả nông sản không ổn định nên việc huy động nhân dân đóng góp còn nhiều hạn chế. Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, huyện đã gắn thực hiện chương trình với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể; đồng thời chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị, các xã cụ thể hóa bằng những phong trào, kế hoạch phù hợp điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Phú Lộc được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Sơn, hầu như cả 11 xã trên địa bàn huyện đều có xuất phát điểm NTM rất thấp, chỉ đạt trung bình 5 tiêu chí/xã. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của người dân, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và những giải pháp mang tính đột phá, đến nay theo bộ tiêu chí đánh giá mới, toàn huyện đạt 129/209 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 86,12%, bình quân đạt 11,72 tiêu chí/xã); có 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM là Phú Lộc, Ea Toh, Phú Xuân, Tam Giang và Ea Tam; thu nhập bình quân đầu người đạt 87 triệu đồng/năm (tăng 40 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo từ 14,42% (năm 2010) giảm còn 4,99% (năm 2022)...
Cuộc sống của người dân vùng nông thôn huyện Krông Năng có nhiều đổi thay. |
Giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã huy động các nguồn lực, nguồn vốn lồng ghép trên 247 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 62,2 tỷ đồng, tỉnh 60,8 tỷ đồng, huyện 34,4 tỷ đồng, vốn huy động trong dân 84,9 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Hiện nay, 99% đường huyện, 32% đường xã được nhựa hóa hoặc cứng hóa; hệ thống lưới điện được phủ khắp địa bàn huyện, tỷ lệ thôn/buôn có điện đạt 100%; sự nghiệp giáo dục được quan tâm đầu tư, cơ sở vật chất bảo đảm, đội ngũ giáo viên các cấp học được chuẩn hóa, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%, đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục THCS và tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trần Sơn
|
Là địa phương có tỷ lệ cơ cấu nông nghiệp chiếm tới 56%, do đó huyện tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, toàn huyện có 54.101 ha cây trồng các loại. Trong đó, cà phê có 24.500 ha, năng suất bình quân đạt 30 tạ/ha, sản lượng mỗi năm đạt hơn 69.000 tấn; hồ tiêu có khoảng 2.335 ha, sản lượng mỗi năm đạt hơn 8.000 tấn. Đặc biệt, huyện Krông Năng là địa phương đứng đầu tỉnh về diện tích cây mắc ca với 2.363 ha (hơn 1.200 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt gần 1,8 tấn/ha, sản lượng khoảng 1.600 tấn/năm). Sản phẩm hạt mắc ca của huyện đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài nước. Huyện có 4 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP (1 sản phẩm 4 sao, 3 sản 3 sao)...
Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Sơn cho biết: "Đến cuối năm 2023, huyện phấn đấu đạt 146/209 tiêu chí, có thêm 1 xã (Ea Tân) đạt chuẩn NTM và 1 xã (Phú Lộc) đạt chuẩn NTM nâng cao. Giai đoạn 2020 - 2025, huyện tiếp tục triển khai xây dựng NTM cả 3 cấp độ (NTM đạt chuẩn, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu), với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; xây dựng hạ tầng KT-XH nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững".
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc