Khi chủ rừng lại muốn trả… rừng!
Việc triển khai chủ trương cho doanh nghiệp ngoài nhà nước thuê đất, rừng để thực hiện dự án quản lý, bảo vệ (QLBV) và chuyển đổi một số diện tích nghèo kiệt sang trồng cao su từng được kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thế nhưng, nhiều dự án không hiệu quả khiến các doanh nghiệp lâm vào cảnh lao đao, bế tắc, thậm chí có đơn vị còn xin... trả lại rừng.
Doanh nghiệp khó cầm cự
Năm 2009, Công ty Cổ phần Đắk Nguyên - Ea H’leo được UBND tỉnh cho thuê 544,5 ha đất rừng để trồng cao su và gần 445 ha rừng sản xuất, rừng trồng để QLBV (tại địa bàn huyện Ea H’leo). Trao đổi về những khó khăn trong công tác QLBV rừng, đại diện doanh nghiệp này cho biết, nhiều diện tích rừng sản xuất được thuê đã bị người dân chặt phá, xâm chiếm để trồng tiêu, cà phê và xây dựng nhà ở nhiều năm nay. Do lực lượng mỏng, lâm tặc manh động, chế tài hạn chế nên Công ty không thể ngăn chặn nổi. Khi phát hiện hành vi xâm hại rừng, doanh nghiệp báo cáo kiểm lâm huyện đến xử lý, nhưng khi lực lượng chức năng rời đi thì người dân lại vào phá rừng.
Diện tích cao su được trồng trên đất rừng khộp tại huyện Buôn Đôn (ảnh chụp thời điểm năm 2011). |
Với dự án cao su, những năm đầu mới trồng thì phát triển khá tốt, nhưng khi cây lên được khoảng 3 m thì bắt đầu có hiện tượng còi cọc, lượng mủ ít nên hiệu quả kinh tế không cao. Nguyên nhân là do phần lớn diện tích cao su được trồng trên đất rừng khộp có kết cấu đất rời rạc, nguồn dinh dưỡng kém. Cách mặt đất khoảng 20 - 40 cm là tầng kết von, sỏi đá, dưới tích đất sét nên mùa nắng gió cây dễ bị ngã đổ, mùa mưa thì ngập úng và chết. Thêm vào đó, mỗi năm, doanh nghiệp phải trả hơn 1 tỷ đồng tiền thuê đất lại vừa phải trả lương cho lực lượng QLBV rừng và chi phí công tác phòng cháy chữa cháy rừng, rất tốn kém (trong khi các chế độ hỗ trợ của Nhà nước không có). Bất lực trước thực trạng trên, nhiều năm nay, Công ty đã làm đơn xin trả lại rừng nhưng vẫn chưa được ngành chức năng tỉnh xử lý.
Ông Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk cho biết, từ năm 2008, doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê hơn 3.200 ha rừng và đất rừng tại huyện Ea H’leo để QLBV và chuyển đổi sang trồng cao su. Tuy nhiên, đến nay có khoảng 50% diện tích rừng được giao QLBV đã bị người dân lấn chiếm để canh tác. Công ty cũng trồng được 1.759 ha cao su từ hơn 10 năm, thế nhưng do khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp nên nhiều diện tích đã bị chết, hoặc kém phát triển, khiến năng suất, sản lượng mủ hằng năm đạt thấp, lỗ so với chi phí đầu tư.
Có không ít doanh nghiệp ngoài nhà nước được cho thuê đất, rừng để QLBV và trồng cao su đang lao đao, bế tắc. Thực tế những năm trước, cũng từng có nhiều dự án tương tự của các doanh nghiệp đã “chết yểu” trên địa bàn huyện Buôn Đôn, Ea Súp.
Cần có giải pháp căn cơ
Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, từ năm 2008 - 2009, khi giá cao su tăng cao, Chính phủ đã chủ trương phát triển 100 nghìn ha cao su trên địa bàn Tây Nguyên. Lúc đó, tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển loại cây này. Thế nhưng đến năm 2012, giá cao su bắt đầu giảm mạnh, doanh nghiệp nhận thấy tiếp tục đầu tư sẽ thua lỗ nên không mặn mà lắm, thậm chí nhiều đơn vị đã buông bỏ. Cũng phải nhìn nhận rằng, do đa phần diện tích được giao là rừng nghèo kiệt, trong khi hằng năm, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều kinh phí QLBV rừng; Nhà nước thì chưa có cơ chế, chính sách gì hỗ trợ nên các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Sở NN-PTNT cũng đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các cấp, ngành Trung ương đưa ra biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói trên. Thế nhưng, do tình hình tài chính, nguồn lực còn nhiều hạn chế nên khó giải quyết rốt ráo, triệt để.
Đoàn công tác của HĐND tỉnh giám sát công tác quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk. |
Đối với hai đơn vị xin trả lại rừng là Công ty Cổ phần Đắk Nguyên - Ea H’leo và Công ty TNHH Tân Tiến - Ea H’leo, theo ông Đỗ Xuân Dũng, về các thủ tục giao nhận thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật; cơ quan chức năng phải đánh giá lại hiện trạng rừng từ khi được giao đến thời điểm nhận lại. Nếu nhận về thì phải giao lại cho địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng diện tích rừng đó, bằng cách thu hút các nguồn lực khác có năng lực hơn tiếp tục đầu tư, quản lý. Theo đó, tỉnh cũng cần có cơ chế để phát triển nông - lâm kết hợp, hoặc có hướng đi nào khác để thu hút doanh nghiệp lấy ngắn nuôi dài, vừa đúng mục tiêu phát triển rừng lại không làm thay đổi quy hoạch.
Những năm qua, Chính phủ, UBND tỉnh cũng có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thu hồi, xử lý đối với các diện tích đất xâm canh, lấn chiếm trước đây để xây dựng phương án thu hồi, giải tỏa. Trong các phương án đó cũng đề ra việc rà soát kỹ các đối tượng lấn chiếm. Hộ nào thực sự thiếu đất ở, đất sản xuất thì phải bố trí theo các chương trình, chính sách của Nhà nước; những hộ có đất rồi nhưng lấn chiếm thêm thì phải cương quyết xử lý. Hiện, UBND tỉnh đang lập phương án xử lý, thu hồi dứt điểm diện tích đất rừng bị xâm canh, lấn chiếm tại khu vực cầu 110 (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) và một số tiểu khu ở huyện Ea Súp cũng như ở các khu vực khác. Đây là giải pháp hữu hiệu để bảo đảm an ninh cho rừng. Tuy nhiên, để QLBV và phát triển rừng hiệu quả cần có giải pháp phát triển sinh kế bền vững gắn với rừng.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc