Multimedia Đọc Báo in

Lãi suất giảm, tín hiệu tích cực cho tín dụng

08:36, 14/08/2023

Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Điều này nhằm hướng đến khả năng tiếp cận vốn giá rẻ cho nhiều đối tượng.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay

Từ đầu năm đến nay, nhiều NHTM đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Theo khảo sát của phóng viên, có hơn 13 ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất, giảm từ 0,1  - 0,5 điểm % tại các kỳ hạn. Trong đó, nhóm các NHTM nhà nước là: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đồng loạt giảm lãi suất từ 0,1 – 0,3 điểm %.

Lãi suất cho vay tại một số ngân hàng cũng đã có sự điều chỉnh giảm. Ngày 30/6, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lần thứ sáu trong năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh, với mức giảm từ 2% - 4%/năm so với đầu năm. Trước đó, Agribank cũng đã thực hiện chương trình giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay trên toàn bộ dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng, thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023.

Khách hàng giao dịch tại Phòng giao dịch Thuần Mẫn (huyện Ea H’leo) thuộc hệ thống Vietcombank Đắk Lắk.

Từ ngày 1/8, Vietcombank giảm 0,5%/năm lãi suất toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đây là lần thứ ba trong năm nay, ngân hàng này triển khai giảm lãi suất cho vay đến khách hàng.

Tại một số ngân hàng TMCP như: Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)… cũng điều chỉnh lãi suất cho vay khoảng 0,5 điểm % đối với các khoản dư nợ.

Trước đó, tại Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%), nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

Triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi

Bên cạnh điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi ở một số lĩnh vực. Một trong những chương trình cho vay ưu đãi nhận được nhiều sự quan tâm thời gian vừa qua là việc 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng.

Đây là chương trình thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản”. Đối tượng được ưu tiên là những khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản, sẽ được vay vốn với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ. Thời gian triển khai của chương trình được áp dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Agribank cũng thông báo về Chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu năm 2023 với quy mô là 25.000 tỷ đồng. Chương trình áp dụng từ ngày 17/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (hoặc đến khi hết quy mô chương trình và theo thông báo mới của Agribank). Đối tượng áp dụng của chương trình là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu (xuất khẩu gạo, thịt, thủy sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…; nhập khẩu đồ uống, phân bón, máy móc thiết bị, xăng dầu, hóa mỹ phẩm, vật liệu xây dựng…). Khi tham gia chương trình, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn.

 
Hoạt động giao dịch tại một đơn vị thuộc hệ thống Agribank Đắk Lắk. Ảnh: Minh Thông

BIDV cũng đang triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở thương mại với quy mô 20.000 tỷ đồng. Các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại có phương án vay vốn khả thi, bảo đảm tính pháp lý, có khả năng tiêu thụ tốt và phù hợp với nhu cầu thực tế về nhà ở trên thị trường sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất từ 8,5%/năm. Đối với các cá nhân, lãi suất cho vay áp dụng từ 7,8%/năm…

Từ việc thực hiện giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay và triển khai nhiều gói vay ưu đãi cho thấy những "tín hiệu" tích cực đối với tín dụng trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân bày tỏ sự kỳ vọng trước những động thái tích cực của ngành ngân hàng.

Theo ông Tống Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu nông sản Minh Tâm (huyện Krông Pắc) những động thái giảm lãi suất của ngân hàng đã phần nào hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. “Hiện nay chúng tôi đang tiếp cận khoản vay tại một ngân hàng với mức lãi suất 8,3%/năm. Đây thực sự chưa phải là mức lãi suất mong muốn của doanh nghiệp, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay thì đây là mức lãi suất hợp lý và cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong hoạt động kinh doanh, sản xuất”, ông Hiếu chia sẻ.

Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.