Multimedia Đọc Báo in

Nghị định 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Kích thích “hệ tuần hoàn” kinh doanh

08:04, 08/08/2023

Ngày 30/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 101/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 1/7 đến hết năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực, giúp kích thích “hệ tuần hoàn” kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian thực hiện nghị quyết này tương đối ngắn, liệu các doanh nghiệp (DN) có kịp “hồi sức”?

Khởi động “vòng tròn kinh tế khép kín”

Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (Nghị định 44) quy định giảm thuế VAT đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ viễn thông, bất động sản, tài chính, ngân hàng… và các trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế VAT hoặc chịu thuế VAT 5%. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với các nhóm hàng hóa được giảm.

Người dân mua sắm hàng hóa được giảm thuế VAT theo Nghị định 44 tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Nhìn từ góc độ của DN, có thể nhận thấy việc giảm thuế VAT tạo ra một vòng tròn khép kín trong chuỗi phát triển nền kinh tế, bởi "đầu ra" của DN này cũng là "đầu vào" của DN khác. Từ đó, nhiều hàng hóa được giảm giá thành hơn, người tiêu dùng trực tiếp được hưởng lợi. Chẳng hạn, hiện nay Siêu thị MM Mega Market Buôn Ma Thuột đang kinh doanh khoảng 20.000 mặt hàng, trong đó có trên 10.550 hàng hóa thuộc diện được giảm thuế, bao gồm các mặt hàng phi thực phẩm (văn phòng phẩm, mỹ phẩm, gia dụng, điện tử…) và thực phẩm (thực phẩm công nghệ chế biến, bánh kẹo, nước ngọt…).

Đại diện MM Mega Market Buôn Ma Thuột cho biết, chính sách giảm thuế mang lại nhiều lợi ích cho DN bán sỉ và lẻ như MM Mega Market. Hiện nay, DN đang sở hữu 21 trung tâm bán sỉ và lẻ trên toàn quốc, cùng với 5 trạm cung ứng hàng hóa và 2 kho trung chuyển, với hơn 30.000 sản phẩm và thu hút hơn 1 triệu lượt khách hàng/tháng. Với khối lượng hàng hóa và tệp khách hàng quy mô lớn, chính sách giảm thuế VAT đã hỗ trợ rất nhiều cho DN trong việc tiết kiệm chi phí vận hành chuỗi cung ứng và gián tiếp hỗ trợ doanh thu thông qua việc kích thích tiêu dùng. Từ đó, tạo điều kiện cho DN duy trì, phục hồi sản xuất, mở rộng kinh doanh và vận hành hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi Co.opmart, việc giảm thuế VAT là kế hoạch thiết thực hưởng ứng chủ trương hỗ trợ phục hồi và phát triển nhanh chóng hoạt động sản xuất - kinh doanh, làm động lực tăng trưởng của một số ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của Nhà nước và chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng. Đây là lần thứ hai thuế VAT giảm 2% đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng, có tác dụng trực tiếp giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và kích thích tái đầu tư sản xuất, kinh doanh với đầu vào của nguyên vật liệu hoặc tái mua thêm hàng hóa tiêu dùng.

Khi giảm thuế VAT đồng nghĩa với giá các mặt hàng “hạ nhiệt”, người dân tiết kiệm được một khoản chi phí, đồng thời với cùng số tiền họ sẽ mua thêm được nhiều hàng hóa hơn, điều này giúp kích cầu tiêu dùng tăng lên. Chị Nguyễn Thị Thanh (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay: “Gia đình tôi có 5 người, mỗi tháng phải bỏ ra khoảng 8 triệu đồng để mua thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho cả gia đình. Từ ngày có chính sách giảm thuế VAT, nhiều mặt hàng được giảm giá, tôi đỡ phải cân nhắc chi tiêu sao cho hợp lý trong khoản tiền đó, bởi giá giảm thì sẽ mua được nhiều hàng hóa hơn trước”. 

Người tiêu dùng mua sắm tại MM Mega Market Buôn Ma Thuột.

Doanh nghiệp có kịp “hồi sức”?

Chính sách giảm thuế VAT 2% như "một mũi tên trúng nhiều đích", giúp người tiêu dùng hưởng lợi, các DN tăng cường “sức đề kháng” và "nuôi" nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, trước bối cảnh nền kinh tế đang bị suy thoái, nhiều DN vẫn phải đối mặt với khó khăn về tài chính thì thời gian thực hiện chính sách này trong vòng 6 tháng là tương đối ngắn. Qua khảo sát, một số DN trên địa bàn tỉnh chia sẻ, việc giảm thuế trong thời gian khá ngắn chỉ giúp vấn đề tài chính của họ dừng lại ở mức cải thiện. Bởi vậy, họ cho rằng cần kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết năm 2024 thì mới thực sự “vực dậy”, gỡ bỏ được “gánh nặng” tài chính để tiếp tục đầu tư phát triển.

Đơn cử như Siêu thị MM Mega Market Buôn Ma Thuột, cùng với việc giảm thuế, đơn vị đang thực hiện các chương trình khuyến mãi: 2 tuần/lần, cuối tuần, sinh nhật lần thứ 7, cùng các chương trình giá sỉ cho những mặt hàng thực phẩm tươi sống; bình ổn giá “khóa giá” cho các mặt hàng thiết yếu; giá ưu đãi đặc biệt một số sản phẩm cho các hóa đơn trị giá trên 500.000 đồng hoặc 800.000 đồng. Tuy nhiên, theo đại diện siêu thị, sau hơn một tháng thực hiện, sức mua của DN tăng lên không đáng kể. Bởi việc giảm thuế được áp dụng trong một thời gian ngắn nên mới chỉ đáp ứng được việc kích cầu sức mua của người tiêu dùng. Nếu kéo dài thời gian áp dụng thì sẽ thúc đẩy việc sản xuất hàng hóa phát triển theo hướng tích cực, DN mới có động thái đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, lúc đó mới mang lại lợi ích cho DN nhiều hơn.

Cục Thuế tỉnh cho biết, sau khi Nghị định 44 có hiệu lực thi hành, đơn vị đã ban hành văn bản chỉ đạo toàn ngành, các đơn vị, bộ phận trực thuộc khẩn trương triển khai thực hiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cũng như hỗ trợ đến tất cả các DN, người nộp thuế thuộc đối tượng được hưởng. Bên cạnh đó Cục Thuế tỉnh đã xây dựng công cụ tra cứu các mặt hàng, hàng hóa, dịch vụ được giảm và không được giảm trên trang thông tin điện tử của đơn vị để người nộp thuế dễ dàng tra cứu hàng hóa, DN mình có thuộc đối tượng được giảm thuế VAT không. Đồng thời, triển khai kịp thời, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, các thủ tục hành chính liên quan đến giảm thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế thụ hưởng chính sách và thực hiện dễ dàng nhất.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.