Multimedia Đọc Báo in

Tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

16:14, 30/08/2023

Ngày 30/8, Sở Công thương phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) tổ chức Hội thảo trao đổi trực tiếp với các chủ thể ngành cà phê về kế hoạch cụ thể để tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Tham dự hội thảo có đại diện: Vụ Chính sách thương mại đa biên; Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam; đại diện lãnh đạo Sở Công thương, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Hội Doanh nhân tỉnh và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, nông dân trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở Công thương Huỳnh Ngọc Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu. Riêng đối với sản phẩm cà phê, niên vụ 2021 - 2022, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu 394.942 tấn, tăng 49.726 tấn so với niên vụ 2020 – 2021 (chiếm tỷ trọng 23% so với cả nước); kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 819 triệu USD. Nhìn chung, xuất khẩu cà phê chủ yếu là cà phê nhân; còn cà phê hòa tan và các sản phẩm cà phê chế biến khác như cà phê rang, cà phê bột... vẫn chưa xuất khẩu được nhiều. 

Do đó, những nội dung trao đổi tại hội thảo sẽ tạo tiền đề để xây dựng hệ sinh thái giúp tận dụng các FTA một cách hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa các chủ thể có liên quan để nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng của tỉnh, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về phát triển bền vững đang ngày càng phát triển.

Phó Giám đốc Sở Công thương Huỳnh Ngọc Dương phát biểu khai mạc hội thảo.
Phó Giám đốc Sở Công thương Huỳnh Ngọc Dương phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề của ngành hàng cà phê nói riêng, nông sản nói chung, như: chuỗi chế biến cà phê, nông sản; quy trình sản xuất (yếu tố về lao động, môi trường); vốn và công nghệ; các yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm (như quy định về kiểm soát mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa…); tìm hiểu các quy định và tiếp cận thị trường xuất khẩu FTA đối với ngành nông sản, bao gồm một số quy định mới của EU như quy định chống phá rừng với cà phê; các yêu cầu về phát triển bền vững (môi trường, lao động); xây dựng thương hiệu và các vấn đề khó khăn khác trong đất đai, hải quan, tín dụng, logistics…

Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc tận dụng tốt các ưu đãi FTA thế hệ mới.
Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc tận dụng các ưu đãi FTA thế hệ mới.

Tại đây, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chia sẻ những điểm cần lưu ý khi xuất khẩu sang các thị trường FTA; đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng đã định hướng giải pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chuyên gia sẽ xây dựng nội dung dự kiến của Kế hoạch vận hành hệ sinh thái xuất khẩu ngành nông sản của tỉnh để triển khai sau hội thảo, sớm đem lại hiệu quả rõ ràng cho các mục tiêu đề ra.  

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) chia sẻ về chính sách xây dựng hệ sinh thái giúp tận dụng FTA cho cho mặt hàng cà phê nói riêng và nông sản nói chung.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) chia sẻ về chính sách xây dựng hệ sinh thái giúp tận dụng FTA cho cho mặt hàng cà phê nói riêng và nông sản nói chung.

Hội thảo được tổ chức với mục đích xây dựng hệ sinh thái giúp tận dụng FTA cho mặt hàng cà phê nói riêng và nông sản nói chung; giúp tạo ra sự kết nối giữa những chủ thể có liên quan gồm người nông dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý, ngân hàng, các công ty cung cấp dịch vụ logistics, công ty tư vấn tận dụng FTA…

                                                                                                 Minh Thuận - Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.