Multimedia Đọc Báo in

Buôn bán lấy "hạnh" làm đầu

14:26, 17/10/2023

Doanh nhân Việt Nam là ai? Câu hỏi này tưởng dễ trả lời, nhưng thật ra lại rất khó. Chỉ có đi sâu vào bề dày cuộc sống của những con người quản lý làm ăn, tổ chức kinh doanh, người ta mới cảm thụ được phần nào những vấn đề, nguyên lý để định vị nên hình ảnh một doanh nhân trong cuộc sống.

Chúng tôi xin kể lại câu chuyện nhỏ về ứng xử của một doanh nhân, hy vọng sẽ mang lại điều hữu ích cho bạn đọc.

Chúng tôi hẹn gặp anh Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê G20 (TP. Buôn Ma Thuột) giữa lúc anh đang bộn bề với công việc. Lưỡng lự mãi anh mới đồng ý có một buổi chuyện trò ngắn ngay ở quán cà phê của anh tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột.

Anh Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê G20 (bìa phải) tham gia xúc tiến cà phê tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Trinh Nguyễn 

Anh Quang lập tức nhấn mạnh: “Bạn muốn mình nói thật lòng không? Nếu muốn, thì bạn không nên đổi sang cà phê của mình”. Bên kia tỏ ý ngạc nhiên, anh liền giải thích: “Nếu nghĩ đến lợi nhuận, bán cho bạn, mỗi tháng mình kiếm thêm hơn một tạ cà phê bột, mình sẽ bán ngay. Có điều, nếu tiệm bạn đã bán ổn, đã có khách quen, thì mình khuyên không nên đổi gu cà phê bằng loại mới. Giá cả có thể tốt hơn, chất lượng ngon hơn, nhưng bạn hiểu không, khi khách đã quen với gu cà phê đó, do bạn đã lấy ổn định từ một nhà cung cấp thì bạn đừng thay đổi gu của họ. Đừng biến khách hàng làm vật thí nghiệm cho việc kinh doanh của mình. Nếu không tôn trọng họ, chỉ vì ý đồ của mình, vì lợi nhuận của mình mà đổi gu cà phê, họ sẽ bỏ đi và mình sẽ mất hết. Nên mình khuyên bạn, hãy tiếp tục với nhà cung cấp cà phê đã làm lâu nay, hãy giữ khách của bạn”.

Chủ tiệm cà phê có thể rất bất ngờ với đề nghị của anh, nên nhắc lại là nhu cầu mua cà phê của tiệm khá cao, nếu phát triển làm ăn tốt anh ta có khả năng mở thêm tiệm nữa. Anh Quang lại thuyết phục: “Nếu bạn định mở một tiệm mới, thì mình đồng ý giao cà phê cho bạn, vì bạn sẽ có nhóm khách hàng mới, và họ sẽ quen với gu cà phê G20 ngày từ đầu. Còn nếu đổi cà phê ở tiệm hiện nay, đừng có dại dột như vậy. Mình nghĩ bạn nên cân nhắc rồi gọi lại cho mình sau, chớ nên vội vàng làm gì”.

Xong anh cúp điện thoại và quay hỏi chúng tôi có thể giúp đỡ gì với đề tài mà chúng tôi muốn viết. Câu hỏi đơn giản được đặt ra ngay, là tại sao anh lại từ chối cơ hội bán hàng cho một khách hàng tiềm lực như thế?

Ảnh:
Anh Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê G20 (bìa trái) đưa các nhà nông học châu Âu tham quan vườn cà phê tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Trinh Nguyễn 

Anh Quang giải thích: “Với mình thì buôn bán phải lấy hạnh làm đầu. Là công ty to hay nhỏ, bán cái gì ra sao, chưa cần biết, nhưng hạnh kiểm của người làm chủ mà không đàng hoàng, chỉ chăm lo vụ lợi cho mình thì không được. Không ai buôn bán mà chịu lỗ chịu thiệt được cả, phải có lợi nhuận thì mới làm. Nhưng có lợi cho mình mà đừng gây thiệt cho người ta, thì làm ăn mới lâu dài, bền vững. Mình làm ra sản phẩm gì, thì cũng phải coi xét sản phẩm đó có chất lượng thật sự không, giá thành có hợp lý không. Nếu chưa ổn phải cải tiến, làm tốt hơn rồi mới nghĩ đến chuyện bán. Rồi cách bán phải đúng đạo đức, cả tôi và anh đều có lợi ích thiết thực, giá trị, chứ không phải bán bất chấp miễn thu được tiền. Cho nên, tiệm cà phê kia dù mang lại lợi ích cho mình, nhưng nếu mình chụp giựt, đi tranh mối với người khác thì có khi chỉ bán hàng được một lần thôi”.

Chúng tôi cảm ơn anh đã cho một đề tài hay và chào từ biệt trong vẻ bất ngờ của anh, rằng anh chưa nói gì, chưa đề cập gì về câu chuyện doanh nhân làm ăn cả. Nhưng liệu anh có cần phải nói thêm gì nữa?

Trong dòng chảy kinh tế thị trường hôm nay, giữa những xô bồ đua chen, hơn thua lợi nhuận, liệu có bao nhiêu doanh nghiệp sẵn lòng lựa chọn tư vấn khách hàng như anh Quang đã làm? Chúng tôi nghĩ, không nhiều, song chắc chắn là có. Câu chuyện của anh, cũng chỉ là một trong nhiều câu chuyện vẫn đang xảy ra với cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân như anh, ở Đắk Lắk, Tây Nguyên hay mọi miền đất nước. Và phải chăng, đó chính là một trong những tiêu chí để xã hội biết đến, và tôn trọng những doanh nhân!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.