Để “đất vàng” đẻ được “trứng vàng (kỳ 4)
Kỳ cuối: Để “tấc đất” xứng là “tấc vàng”
Để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về đất đai của địa phương, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như tầm nhìn về quy hoạch, quản lý đang đặt ra cho các nhà chuyên môn cũng như chính quyền những nhiệm vụ cấp bách.
"Gỡ" cơ chế, "dựng" quy hoạch
Để “tấc đất” xứng là “tấc vàng” hoặc có thể có “giá trị cao hơn vàng”, việc tạo ra cơ chế mở và thống nhất, đồng bộ giữa các quy định được coi là yếu tố thiết yếu. Vì vậy, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã từng hiến kế, Chính phủ cần nghiên cứu, đưa ra văn bản, thống nhất giữa các bộ luật liên quan đến đất đai, đầu tư trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để gỡ rối về cơ chế, pháp luật.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, Sở TN-MT cũng đã kiến nghị Quốc hội sớm thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, theo hướng khắc phục được những bất cập, vướng mắc của Luật Đất đai năm 2013 mà thực tiễn đã chỉ ra, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đất có nguồn gốc nông, lâm trường.
Chẳng hạn như: quan điểm về sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, quy hoạch căn bản, cơ sở để các quy hoạch khác điều chỉnh theo. Hay sửa đổi, khắc phục các mâu thuẫn trong nội tại Luật Đất đai về đấu giá quyền sử dụng đất và mâu thuẫn giữa quy định về đấu giá, đấu thầu giữa Luật Đất đai với các luật khác. Rồi quy định về việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường...
Khu đất số 02 Mai Hắc Đế (TP. Buôn Ma Thuột) đang triển khai các thủ tục đấu giá đất để lựa chọn nhà đầu tư. |
Việc khắc phục được những vướng mắc, bất cập nêu trên sẽ tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong việc khai khác, sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai của tỉnh trong thời gian tới, đặc biệt là quỹ đất có nguồn gốc nông, lâm trường để kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 264 nghìn ha đất từ các công ty nông, lâm nghiệp chuyển giao về cho địa phương quản lý là tiềm năng, điều kiện thu hút các dự án đầu tư. Vì vậy, tỉnh cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ sớm xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất phương án tổng thể quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất có nguồn gốc lâm trường bàn giao về địa phương quản lý theo đề nghị của UBND tỉnh, làm cơ sở để địa phương triển khai thực hiện việc quản lý, bố trí sử dụng quỹ đất nêu trên. Đồng thời, hướng dẫn địa phương hoặc có cơ chế thực hiện xử lý tài sản là rừng trên đất thu hồi của các dự án lâm nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai, làm cơ sở để thực hiện thu hồi đất thống nhất, đồng bộ với thu hồi rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
“Để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư để có sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của pháp luật trong việc giải quyết các thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất” – Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cho rằng, muốn thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh, bên cạnh sự “trơn tru” về cơ chế, chính sách thì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải triển khai kịp thời, chất lượng. Vì vậy trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương phải kịp thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch cũng như điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định và thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của cấp huyện và quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Đồng thời nâng cao chất lượng lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn tiếp theo, trong đó xác định, đảm bảo quỹ đất kêu gọi đầu tư các dự án.
Để nâng cao chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đáp ứng nhu cầu đất đai cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, Sở TN-MT cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc thường xuyên theo dõi, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho UBND cấp huyện trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo chất lượng và kịp thời, đúng thời gian theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng chi tiết đất có nguồn gốc nông, lâm trường, qua đó tạo quỹ đất kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Còn theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đối với công tác quy hoạch, cấp dưới phải phù hợp với cấp trên. Hiện nay đơn vị đang đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi quy hoạch tỉnh được áp dụng sẽ giải quyết nhiều vướng mắc về công tác quy hoạch trong thời gian qua.
Chặt chẽ trong quản lý
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, theo lãnh đạo Sở TN-MT, giải pháp cần thiết phải thực hiện trong thời gian tới đó là nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và ý thức, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, gắn với chương trình xây dựng nền hành chính hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sử dụng đất.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện việc giao đất, cho thuê đất cần công khai, minh bạch cho các đối tượng đáp ứng điều kiện quy định theo pháp luật về đất đai. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Hơn nữa, việc tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể đối với các dự án cần thực hiện ngay tại thời điểm thẩm định nhu cầu sử dụng đất, làm cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất kịp thời theo quy định của pháp luật khi giao đất cho thuê đất để bàn giao đất thực địa cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trong quá trình hoàn thiện. (Trong ảnh: Ngã sáu Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột). |
Để khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý, Sở TN-MT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm, kịp thời đối với các dự án có vi phạm trong sử dụng đất sau khi được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất triển khai dự án.
Đối với vấn đề tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, giám sát các dự án đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà, cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục chủ trì và phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tập trung rà soát cụ thể từng nhóm, từng loại dự án. Đồng thời, căn cứ theo tính chất, mức độ hoàn thành của từng dự án và nguyên nhân dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ để xác định hình thức xử lý cụ thể theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng nhà đầu tư “chây ì” gây lãng phí tài nguyên đất.
Nếu những giải pháp như trên được triển khai hiệu quả, tin rằng con đường mà các nhà đầu tư đến với tỉnh sẽ ngày càng rộng mở. Đặc biệt là sẽ có nhiều hơn nữa những dự án được triển khai hiệu quả, đồng thời khai thác và sử dụng đất một cách hợp lý hơn.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc