"Khơi thông" tín dụng: Doanh nghiệp cũng cần nhìn lại mình
Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước, cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói chung, DN Đắk Lắk nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Để vượt qua khó khăn đó, DN đã có rất nhiều kiến nghị các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ họ, từ cơ chế, chính sách… và nhất là vấn đề tiếp cận vốn.
Liên quan đến tín dụng, DN thường “kêu” về việc vốn vay ngân hàng có lãi suất quá cao làm bào mòn hết lợi nhuận của DN; DN khó tiếp cận vốn vay… Trước những kiến nghị của DN, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có hàng loạt động thái về cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn mang tính cải cách hành chính mạnh mẽ, nới lỏng các điều kiện trong việc tiếp cận vốn vay. Cùng với đó, Chính phủ, NHNN cũng đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ DN. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước thông qua công cụ điều hành lãi suất đã “buộc” các ngân hàng thương mại giảm mạnh lãi suất cho vay. Theo NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, lãi suất cho vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,0%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực còn lại ở mức 6,5 - 9,0%/năm; đối với cho vay trung dài hạn phổ biến ở mức 8,5 - 12%/năm. Đây là lãi suất cho vay có thể nói đã ở mức có thể chấp nhận được.
Vấn đề “lãi cao” dường như đã được tháo gỡ một phần. Thế nhưng DN vẫn “kêu” khó vì không thể tiếp cận vốn vay của ngân hàng. Số liệu của NHNN Chi nhánh Đắk Lắk cho thấy, từ đầu năm đến nay, dư nợ cho vay DN ước được 18.400 tỷ đồng (chiếm 12,97% tổng dư nợ, giảm 6,39% (giảm 1.256 tỷ đồng) so với đầu năm), với khoảng 3.000 DN còn dư nợ. Điều này có vẻ là một nghịch lý rất lớn, bởi trong khi ngân hàng đang bị “thừa” tiền thì DN lại không tiếp cận được vốn vay.
Cán bộ Agribank Đắk Lắk (bên trái) kiểm tra hiệu quả vốn vay của một khách hàng trên địa bàn huyện Krông Pắc. |
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì điều này không lạ. Phải khẳng định rằng, ngân hàng cũng là DN. Đã là DN thì ngân hàng cũng phải kinh doanh, phải bảo đảm sự an toàn, có lãi và đương nhiên hơn ai hết, họ cũng muốn dòng tiền của mình lưu thông. Và để bảo đảm những yếu tố trên, ngân hàng phải dựa vào tài sản đảm bảo hoặc khả năng phát triển và đánh giá những rủi ro nợ xấu có thể xảy ra khi cho một DN vay một món nào đó; cũng có thể là một trong số những điều kiện đó. Khi DN đáp ứng được những yếu tố trên, tin rằng không một ngân hàng nào từ chối cho vay.
Vậy nên chuyện DN “kêu” khó tiếp cận vốn vay phải được nhìn nhận lại nguyên nhân từ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và từ chính bản thân DN. Tiếp cận được hay không suy cho cùng cũng do “sức khỏe” của DN. Thiết nghĩ trong điều kiện hiện nay, bên cạnh nỗ lực của cộng đồng DN, các cấp, các ngành cũng cần có sự hỗ trợ quyết liệt hơn nữa trong việc “khơi thông” thị trường, trong đó thiết thực, cấp bách nhất hiện nay là giải ngân vốn đầu tư công. Bởi trong hoàn cảnh thị trường tiêu dùng trong nước cũng như toàn thế giới đang khó khăn thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ là trụ cột quan trọng. Giải ngân vốn đầu tư công càng tốt, DN càng có nhiều “đơn hàng” để “khỏe” lên, từ đó có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề liên quan, trong đó có thị trường tín dụng.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc