Multimedia Đọc Báo in

Mua hàng không lấy hóa đơn:

Thói quen gây thất thu ngân sách nhà nước

08:22, 05/10/2023

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua. Tuy nhiên, nhiều người bán và người mua lâu nay đang “bỏ quên” quy định này.

Trên thực tế hiện nay, nhiều người tiêu dùng thường chỉ lấy và giữ lại hóa đơn mua các hàng hóa, tài sản có giá trị lớn hoặc trường hợp cần phải có hóa đơn để hạch toán chi phí, vận chuyển hàng hóa trên đường. Còn lại, người dân hầu như không lấy hóa đơn, đặc biệt là tại những điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng như: trung tâm thương mại, siêu thị; cửa hàng gia dụng, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, quầy thuốc tây, dịch vụ vui chơi giải trí…

Cán bộ thuế hỗ trợ người dân đăng ký cài đặt và sử dụng ứng dụng thuế điện tử Etax Mobile.

Việc không lấy hóa đơn thì bên chịu thiệt đầu tiên chính là người mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

 

“Hóa đơn là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng thực hiện quyền giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp và người bán hàng, mục tiêu cao nhất là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh; các tổ chức, cá nhân đóng góp công bằng, đầy đủ nghĩa vụ cho ngân sách nhà nước” - ông Nguyễn Công Tùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk.

Cụ thể, không có hóa đơn thì người mua không thể chứng minh được việc giao dịch, vận chuyển và sở hữu hàng hóa hợp pháp của mình, nhất là khi gặp những trường hợp có vấn đề về chất lượng hàng hóa, bảo hành sản phẩm hoặc vướng mắc liên quan đến pháp lý. Trong công tác quản lý nhà nước về thuế, trường hợp không xuất hóa đơn thì người bán hàng có cơ hội trốn thuế, gián tiếp gây thất thu cho ngân sách, do cơ quan thuế khó có đủ căn cứ, cơ sở để kiểm tra doanh thu tính thuế. Không có con số nào về thất thu thuế do người mua không lấy hóa đơn, nhưng chắc chắn là không hề nhỏ. Bên cạnh đó, lượng hóa đơn không xuất này trở thành nguồn lợi lớn để các tổ chức, doanh nghiệp (DN) khác lợi dụng mua, bán hóa đơn khống trên thị trường nhằm hợp lý hóa, hạch toán chi phí, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN chấp hành tốt pháp luật và DN làm ăn không minh bạch, gian lận.

Theo ông Nguyễn Công Tùng, Phó cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk, thói quen mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ phải lấy hóa đơn, chứng từ hợp pháp là hình thức tiêu dùng văn minh, không những tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch của toàn xã hội, mà còn mang lại lợi ích cho chính người tiêu dùng khi quyền lợi được pháp luật bảo vệ trong giao dịch thương mại, bảo hành sản phẩm, dịch vụ hậu mãi, tranh chấp, khiếu kiện về chất lượng hàng hóa. Do đó, thời gian qua, ngành thuế đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ, ghi đầy đủ thông tin cá nhân của người mua, qua đó, tăng cường quản lý, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Cư M'gar - Buôn Đôn kiểm tra việc chấp hành quy định về thuế tại một doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng.

Một trong những giải pháp hữu hiệu của ngành thuế là chương trình “Hóa đơn may mắn”. Chương trình này dành cho tất cả người mua hàng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Cục Thuế Đắk Lắk cho biết, từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã tổ chức 5 đợt quay số và trao thưởng, có 68 giải thưởng được trao, với tổng số tiền 210 triệu đồng. Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước hình thành thói quen tiêu dùng văn minh cho người dân.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.