Phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên: Cần “bơm” tín dụng vào nông nghiệp
Tây Nguyên là địa bàn trọng điểm về nông nghiệp của cả nước, với những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như cà phê, tiêu, điều, sầu riêng... Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển kinh tế vùng đất này cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, tích cực, trong đó, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh cấp tín dụng phát triển nông nghiệp.
Tín dụng nông nghiệp đang gặp nhiều thách thức
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tín dụng tại khu vực Tây Nguyên đến nay đạt trên 508.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2022, chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế (tại Đắk Lắk, tổng dư nợ cho vay đạt 141.900 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm). Riêng tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn có dư nợ hơn 297.000 tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng trên 58% tổng dư nợ của khu vực. Đáng chú ý là tín dụng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của vùng có mức tăng trưởng tốt, trong đó dư nợ cho vay cà phê đạt trên 76.000 tỷ đồng, tăng 7,06% so với cuối năm 2022.
Người dân xã Buôn Triết (huyện Lắk) thu hoạch lúa vụ hè thu 2023. Ảnh: Thế Hùng |
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Hà Thu Giang, đầu tư tín dụng tại khu vực Tây Nguyên đang đối mặt với không ít khó khăn trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Đáng chú ý, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng đang gặp nhiều thách thức như: hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp của vùng vẫn còn thấp, nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất - thu mua - chế biến - xuất khẩu các mặt hàng nông sản luôn tiềm ẩn và gây rủi ro ách tắc, tồn ứ nông sản trong lưu thông.
Bên cạnh đó, mặc dù ngân hàng sẵn sàng đáp ứng vốn, nhưng nhu cầu về vốn vay của khách hàng, bao gồm cả DN và cá nhân đang suy giảm mạnh. Nhiều DN, trong đó có các DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Do khả năng hấp thụ vốn sụt giảm, lượng vốn trong ngân hàng đang dư thừa, tăng trưởng tín dụng đạt thấp. Bên cạnh đó, nếu DN chưa trả được nợ cũ mà ngân hàng "cố" cho vay để tăng doanh số sẽ khiến DN không có khả năng trả nợ, dẫn đến nguồn tiền không hiệu quả, thậm chí để thất thoát vốn, sai quy định.
Một doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc. Ảnh: M.Chi |
Về phía DN, giám đốc một công ty kinh doanh, xuất khẩu cà phê cho rằng, nhiều DN gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng, nhất là các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, DN đang phải vay vốn chủ yếu theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản nên số tiền vay được không nhiều, trong khi việc thu mua cà phê chỉ trong thời gian ngắn nhưng cần nguồn vốn lớn. Do đó, ngành ngân hàng cần có chính sách cấp tín dụng phù hợp theo ngành nghề, đáp ứng nhu cầu vốn cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh vào vụ mùa, tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển và cạnh tranh công bằng với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN nhà nước.
Tập trung vốn vào các lĩnh vực thế mạnh
“NHNN cần khuyến khích chương trình tín dụng xanh, tài chính bền vững, tạo điều kiện để ngân hàng thương mại đồng hành cùng doanh nghiệp; đồng thời, có cơ chế khuyến khích hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc phát triển tín dụng xanh... Về phía các doanh nghiệp, cần bám sát tình hình thị trường thế giới, tiết giảm chi phí, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ” - ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. |
Theo các chuyên gia ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần triển khai mạnh mẽ những chính sách, giải pháp tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Tây Nguyên trên cơ sở các lợi thế của vùng. Theo đó, ngoài tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, những động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì ngân hàng cần ưu tiên cho vay đối với những lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của vùng.
Tại Hội nghị kết nối Ngân hàng – DN tổ chức tại Đắk Lắk ngày 20/10 vừa qua, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực Tây Nguyên về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, gắn với đặc điểm lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, những năm qua, ngành ngân hàng luôn cố gắng, nỗ lực trong việc phát triển mạng lưới, quy mô hoạt động; tập trung các nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên cầu nối ngân hàng – DN đang có một số rào cản, một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DN nhỏ và vừa. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn...
Ngành ngân hàng sẽ triển khai các giải pháp cung ứng vốn hiệu quả cho thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê. (Trong ảnh: Một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê tại Cụm công nghiệp Tân An 1, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: M. Chi |
Về tín dụng mùa vụ cho DN, lãnh đạo NHNN cho rằng, các ngân hàng thương mại phải nắm bắt xu hướng, tính toán hiệu quả, kết quả mùa vụ, bám sát nhu cầu vốn của DN để cung ứng kịp thời. Bên cạnh đó, các địa phương, hiệp hội ngành hàng cần phối hợp chặt chẽ với ngân hàng để có sự chủ động hơn, giúp người dân, DN tiếp cận vốn phục vụ cho mùa vụ. Đối với tín dụng cho cà phê, NHNN sẽ chỉ đạo Agribank là ngân hàng cho vay chủ lực lĩnh vực nông nghiệp làm đầu mối cùng các ngân hàng thương mại khác nghiên cứu, sớm đưa ra các giải pháp hỗ trợ mở rộng tái canh cây cà phê, cung ứng vốn cho thu mua chế biến, xuất khẩu hiệu quả nhất. “Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, DN, ngành ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc