TP. Buôn Ma Thuột: Thách thức không gian đô thị mới
Khi các nhà quy hoạch đặt ra yêu cầu hình thành những đô thị mới trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, một câu hỏi lập tức được nêu ra: kiến trúc xây dựng, nét văn hóa sinh hoạt của cư dân, chính xác là những thị dân mới trong những không gian đô thị ấy nên ra sao? Bởi lẽ những đô thị mới sẽ gắn liền những căn hộ, kiểu nhà… mới mẻ, hiện đại, song nếp sống, cách nghĩ, tập tục sẵn có của những gia đình người dân bản địa vẫn tồn tại những nét văn hóa nguyên bản.
Làm sao gìn giữ được những nét văn hóa, không gian kiến trúc đã có từ lâu, song phải ăn khớp, đồng điệu với cuộc sống hiện đại hôm nay? Các thế hệ cư dân địa phương cần kế tục giữ gìn những giá trị gì, lựa chọn mẫu nhà ở, kiến trúc ra sao, là cả một vấn đề đáng phải nghiên cứu bàn kỹ.
Băn khoăn không gian cũ trong đô thị mới
Chị H., một cư dân vừa chuyển vào ở trong căn nhà mới xây tại dự án khu đô thị Ân Phú (Hà Huy Tập, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, vợ chồng chị nhiều năm sống trong cảnh nhà thuê tạm bợ, nên rất mong có được một căn nhà an cư bền vững. Vì vậy khi mua được lô đất nền tại dự án đô thị mới này, vợ chồng chị rất mừng và quyết định xây dựng ngay căn nhà 3 tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, cũng là để đón đứa con đầu lòng ra đời.
Nhưng khi xây nhà xong, vào ở rồi, vợ chồng chị mới nhận ra có những điều còn bất thuận trong kiến trúc đã xây, bố trí phòng ốc sinh hoạt. Đơn cử tầng 1 bố trí phòng khách, phòng bếp, có hay không nên có một phòng ngủ nhỏ cho tiện sinh hoạt. Bình thường chỉ có hai vợ chồng thì không sao, nhưng có thêm bà ngoại lên chăm cháu, bà không lên xuống cầu thang được nhiều, không có phòng ngủ tầng 1 rất là bất tiện. Rồi tầng 3 căn nhà, được bố trí chỗ thờ cúng gia tộc, phải thiết kế sao cho hài hòa, không gây lãng phí không gian? Chồng chị muốn đặt thêm phòng đọc sách ở gian thờ này, liệu có hợp lý vì sẽ chật chội, nếu có cúng giỗ đông người sẽ phiền phức bố trí chỗ ngồi… Những phiền phức ấy, chỉ khi đi vào ở trong căn nhà mới, những chủ nhân ở đô thị mới mới nhận ra và thực sự phiền lòng.
Vấn đề chị H. nêu ra, theo một số kiến trúc sư, cũng là câu hỏi khúc mắc ở các gia đình thị dân mới hiện diện ngày càng nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột. Những căn nhà mới này đặt trong các khu đô thị mới còn đỡ, còn chen lẫn trong những khu xóm, cụm hẻm dân sinh ở khu vực trung tâm thành phố cũ, dựa trên những nền tảng công trình đã từng có, lại càng phức tạp hơn. Một căn nhà được sửa chữa nâng cấp, hay tách thửa đất từ một căn nhà đã có trước đó, luôn đi kèm những vướng mắc về công năng sử dụng, không gian bài trí sinh hoạt. Mối quan hệ quần cư của người dân bản địa lâu nay, thể hiện tình làng nghĩa xóm, giao tiếp qua lại với nhau, lại càng có nhiều ràng buộc, kể cả việc đặt máng thoát nước mưa trên đất có chảy qua hàng xóm không cũng là một sự cân nhắc, hay chỉ là gửi nhờ xe thân hữu ghé chơi qua nhà nhau…
Vấn đề phía sau những thực trạng này là trong quy hoạch bố trí những đô thị mới, các nhà quy hoạch, tư vấn kiến trúc có những phương án, giải pháp nào hữu hiệu giúp cư dân chọn được hướng xử lý không gian nhà cửa hợp lý, hài hòa giữa nếp sống truyền thống với hiện đại?
Những chợ tự phát tồn tại xập xệ giữa lòng các khu đô thị mới, là câu hỏi nan giải cho các nhà kiến trúc và quy hoạch. |
Những tầm nhìn kiến trúc đô thị
Vượt thoát khỏi không gian cụ thể trong mỗi căn nhà, có thể thấy, bức tranh quy hoạch các không gian đô thị mới, ở những khu vực phát triển dư địa mới, là cả một vấn đề đáng quan tâm. Người dân TP. Buôn Ma Thuột lâu nay vẫn quen với những kiểu mẫu nhà cửa cũ, dáng dấp đô thị truyền thống với các ngôi nhà độc lập, mái dài vươn cao, vật liệu tự nhiên, gần đây không khỏi ngỡ ngàng khi nhận ra dọc những trục giao thông lớn, có những dãy nhà phố thương mại bề thế, kiến trúc phương Tây, bài trí hiện đại… Đi giữa những quần thể công trình to đẹp đó, cảm xúc của thị dân cũ Buôn Ma Thuột liệu có chấp nhận? Mà sự thật những kiểu nhà ở hiện đại này, lại rất hợp ý những thế hệ trẻ, những cư dân mới nổi, sống quen với mạng Internet, không gian sử dụng nhỏ hẹp tối giản… Làm sao cân đối hài hòa những tâm lý thị dân này, các kiến trúc sư không dễ gì có được câu trả lời.
Sự thật phải thấy, là TP. Buôn Ma Thuột, trong dòng chảy phát triển đã qua, luôn hòa quyện những giá trị bền vững về văn hóa cộng đồng giữa nhiều thế hệ, giữa nhiều dân tộc anh em, giữa nhiều sắc thái tâm linh tôn giáo… Hình ảnh đô thị mới khang trang, vẫn nằm cạnh những kiểu nhà dài truyền thống, những buôn làng nguyên sắc thái dẫu có cập nhật tân thời. Những khu chợ cũ dần chan hòa vào các không gian thương mại mới, sầm uất hơn, song cách bài trí, bán hàng của người dân vẫn dường như không đổi khác.
Cập nhật hơn, các dự án đô thị mới đang hình thành những khu nhà ở chung cư xã hội, những không gian sống và sinh hoạt chung, thì có gì xung đột với nếp sống gia đình khép kín của những người dân theo tộc họ, huyết thống? Nhiều kiến trúc sư tâm tư, đô thị mới phải sắp xếp, bài trí lại các phân vùng không gian, càng hạn chế hình ảnh những ngõ xóm chật chội, quanh co càng tốt. Nhưng một khi người dân vẫn thích cốt cách sinh hoạt cũ, thì những cái “chợ chồm hổm” vẫn sẽ hiện diện, theo đó điều chỉnh quy hoạch nên như thế nào? Tất cả đòi hỏi những nhà quy hoạch chiến lược có tầm nhìn khác, rộng mở hơn, mới có thể điều tiết, định hướng giúp các đô thị mới phát triển hài hòa cạnh những không gian đô thị cũ, thật sự tạo nên giá trị bền vững cho đô thị Buôn Ma Thuột.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc