Multimedia Đọc Báo in

Chủ động “gỡ khó” cho giải ngân vốn đầu tư công

08:08, 05/11/2023

Hiện nay đã bước vào giữa quý IV/2023, có thể nói đây là giai đoạn “nước rút” để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Để có thể hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao cũng như kế hoạch tỉnh đã đề ra, các đơn vị, địa phương đang chủ động triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn kế hoạch được giao.

Tăng tốc thu tiền sử dụng đất

Công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra và chưa thể thoát khỏi sự chậm chạp, “ì ạch” vốn có. Một trong những nguyên nhân của sự “ì ạch” này được cho là do thiếu nguồn vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Theo dự toán năm 2023, UBND tỉnh giao thu tiền sử dụng đất trên toàn tỉnh là 3.600 tỷ đồng. Tuy nhiên đến ngày 14/10, toàn tỉnh mới chỉ thu được hơn 1.295 tỷ đồng (bằng 33% kế hoạch); trong đó, cấp tỉnh thu được hơn 219 tỷ đồng, cấp huyện thu được hơn 1.076 tỷ đồng.

Các đơn vị đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Cụm khách sạn và văn phòng làm việc của Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho công tác này, đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Chẳng hạn như Sở Xây dựng đang đồng thời thực hiện các bước rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án khu đô thị tổ dân phố 8 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) để kịp thời tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất trong năm 2023. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đã tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; tăng tốc hoàn thiện hạ tầng và cắm mốc, phân lô, trích lục các thửa đất để triển khai bán đấu giá quyền sử dụng đất đối với những dự án được giao làm chủ đầu tư.

Đối với Trung tâm Phát triển quỹ đất Đắk Lắk, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các danh mục công trình, dự án thu tiền sử dụng đất năm 2023 và kế hoạch thu tiền sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, đẩy nhanh công tác đấu giá quyền sử dụng đất để đạt nguồn thu năm 2023 theo kế hoạch đề ra.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2023 (tính đến ngày 19/10). Đồ họa: Đức Văn

Trong khi đó, Sở Tài chính cũng đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk, UBND TP. Buôn Ma Thuột khẩn trương hoàn thiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Cụm khách sạn và văn phòng làm việc của Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk; chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với Dự án tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và nhà ở thương mại tại địa chỉ số 02 đường Mai Hắc Đế (TP. Buôn Ma Thuột). Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cơ quan chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư những dự án có thu tiền sử dụng đất để sớm đưa các dự án vào triển khai thực hiện. Đặc biệt là tập trung ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thuộc nguồn thu ngân sách tỉnh trong năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025 như: Khu đô thị tổ dân phố 8 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột); Khu dân cư nông thôn mới Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột); Khu dân cư Bùi Thị Xuân (thị trấn M’Drắk, huyện M’Drắk)…

Tích cực kiểm tra, đôn đốc

Để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn kế hoạch được giao, từ cuối tháng 9/2023, 4 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 do UBND tỉnh thành lập đã tiến hành kiểm tra tại 14 huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tại mỗi đơn vị, địa phương, tổ công tác đã đánh giá tiến độ thực hiện cũng như việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đối với những vướng mắc, khó khăn trong quá trình quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, tổ công tác đã hướng dẫn các chủ đầu tư từng bước tháo gỡ và đề ra những giải pháp trọng tâm cho từng đơn vị trong thời gian tới.

Thi công xây dựng công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Ea H'leo. Ảnh: Minh Thông

Cùng “đồng tâm hiệp lực” với tỉnh, các đơn vị, chủ đầu tư cũng đã thể hiện quyết tâm, cam kết giải ngân 100% vốn theo kế hoạch, với những giải pháp riêng của đơn vị mình. Đơn cử như ở Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (gọi tắt là Ban tỉnh), năm 2023 được giao kế hoạch vốn là hơn 2.259 tỷ đồng (chiếm 41,05% kế hoạch vốn toàn tỉnh); đến ngày 19/10, đơn vị đã giải ngân hơn 1.664 tỷ đồng (bằng 73,66% kế hoạch). Đây cũng là đơn vị hiện có tỷ lệ giải ngân đứng đầu các sở, ban, ngành của tỉnh. Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban tỉnh chia sẻ, để đạt được kết quả giải ngân như trên, đơn vị đã xây dựng tiến độ chi tiết, tiến độ tổng thể các dự án và tiến hành giao ban hằng tuần trên công trường. Đồng thời, Ban tỉnh cũng thực hiện điều chuyển khối lượng của các nhà thầu chậm tiến độ sang cho các nhà thầu khác có khả năng thi công nhanh hơn, chất lượng hơn và điều chuyển vốn các dự án giải ngân chậm sang những dự án khác có khả năng và điều kiện giải ngân. Điều quan trọng hơn, Ban tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã, cấp huyện trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo kế hoạch, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang những dự án có tiến độ giải ngân tốt. Cụ thể: đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành quyết định điều chuyển giảm vốn của 13 dự án giải ngân thấp sang 12 dự án có nhu cầu bổ sung vốn, với số vốn hơn 55,3 tỷ đồng; HĐND tỉnh đã thông qua việc điều chuyển vốn 7 dự án để tăng vốn cho 24 dự án, với số vốn hơn 88,5 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định điều chuyển vốn của 8 dự án giải ngân thấp sang 5 dự án có nhu cầu bổ sung vốn, với số vốn 320 tỷ đồng.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.