Khó khăn "bủa vây" hợp tác xã mới thành lập
Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) với đa dạng các loại hình sản xuất, cung cấp dịch vụ, thương mại, xây dựng… đã ra đời trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu liên kết phát triển bền vững, sản xuất hiệu quả, các HTX mới đang gặp không ít khó khăn.
Đối mặt nhiều thách thức
Mong muốn đồng hành cùng nhau phát triển, tháng 1/2023, người dân ở thôn 11 (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) đã thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Dâu tằm tơ Hòa Lễ với 28 thành viên, canh tác 20 ha cây dâu để nuôi tằm. Thông thường, với 1 ha trồng dâu, người dân có thể nuôi từ 30 – 35 hộp tằm/năm. Trung bình một hộp giống tằm sẽ cho thu 50 – 70 kg kén, người dân thu lợi 8 – 10 triệu đồng/hộp.
Tuy nhiên, sau khi thành lập, hoạt động của HTX gặp nhiều khó khăn bởi các thành viên chưa có sự thống nhất và liên kết rõ ràng, vẫn hoạt động đơn lẻ, tự tìm nguồn mua con giống và đầu ra cho kén nên thường xuyên bị thương lái ép giá. Các thành viên cũng chưa chủ động nắm bắt kỹ thuật nuôi trồng mới và việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi gặp khó khăn nên không có điều kiện đầu tư nhà nuôi theo đúng tiêu chuẩn, dẫn đến hiệu quả chưa được như mong muốn. Không chỉ thế, HTX hiện đang phải sử dụng hội trường thôn để làm trụ sở làm việc; máy móc, thiết bị, nguồn nhân lực… phục vụ cho HTX hầu như là con số 0.
“Người dân còn tâm lý thụ động, chưa có sự liên kết chặt chẽ nên gây khó khăn cho việc phát triển của HTX. Mọi thứ vẫn còn sơ khai, chưa có sự thay đổi nhiều về sản xuất, tiêu thụ”, bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Dâu tằm tơ Hòa Lễ chia sẻ.
Các thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Dâu tằm tơ Hòa Lễ (thôn 11, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) vẫn hoạt động sản xuất đơn lẻ. |
Thành lập từ tháng 2/2023, HTX Cây giống Tây Nguyên (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cũng gặp những khó khăn tương tự.
Ông Đoàn Văn Hiến, Giám đốc HTX cho hay, sản xuất cây giống trở thành "nghề" của người dân địa phương từ khoảng 20 năm nay. Tuy nhiên, người dân chưa định hướng được nhu cầu thị trường, trồng cây giống nào phù hợp... nên ông đã đứng ra liên kết với người dân, thành lập HTX. Các thành viên chủ động góp vốn đầu tư xe tải, thiết bị băng chuyền vận chuyển cây, phân bón, thuê đất xây dựng trụ sở làm việc… tích cực liên kết sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề của HTX hiện tại là khó tiếp cận chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay do không đáp ứng được các thủ tục nên chưa có kinh phí đầu tư máy móc hiện đại, nhân rộng mô hình sản xuất…
Bên cạnh đó, năng lực, trình độ của các thành viên chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, thương mại điện tử, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Trong khi đó, HTX không đủ điều kiện, năng lực thu hút những người có trình độ cao, được đào tạo bài bản vào làm việc, dẫn đến công tác quản lý, điều hành chưa được chặt chẽ, đúng quy trình.
Tăng cường công tác hỗ trợ
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Huỳnh Bài cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới được 103 HTX, vượt kế hoạch đề ra trong năm 2023. Đây cũng là thời kỳ có số lượng HTX thành lập mới cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, trong quá trình thành lập HTX gặp nhiều khó khăn do sáng lập viên chưa nắm chắc về Luật HTX; đội ngũ cán bộ HTX chưa được đào tạo về công tác quản lý, marketing, thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số… nên hiệu quả hoạt động chưa cao.
Mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao của Hợp tác xã Nông nghiệp bền vững Trọng Phú – Ea Hiao (huyện Ea H'leo). Ảnh: Minh Thông |
Hiện nay, để trợ lực cho HTX mới, sau khi thành lập, các HTX được hỗ trợ kinh phí để chi trả các chi phí thành lập theo quy định trong nghị quyết của HĐND tỉnh. Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hướng dẫn xây dựng điều lệ, chiến lược sản xuất, kinh doanh; mở các lớp tập huấn, đào tạo và tạo điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc cho HTX làm việc. Cùng với đó, giúp HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để được hưởng lợi từ các chương trình, dự án. Hằng năm, trung bình có 6 cán bộ trẻ, có trình độ cao được đưa về hỗ trợ hoạt động ở các HTX trong thời gian 3 năm. Đội ngũ cán bộ này được trả lương từ nguồn ngân sách tỉnh. Xác định được nhân tố chủ chốt trong quá trình hình thành và phát triển HTX, dựa vào nhu cầu của các đơn vị, Liên minh HTX tỉnh đang thực hiện kế hoạch hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và làm việc với các địa phương để tạo điều kiện cho HTX thành lập, bố trí quỹ đất xây dựng trụ sở, mở rộng quy mô sản xuất...
Theo ông Huỳnh Bài, bên cạnh những hỗ trợ trên, để giúp các HTX tăng cả về số lượng và chất lượng, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành đến việc phát triển kinh tế tập thể, HTX ở địa phương. Chính quyền và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, liên kết để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của HTX. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Luật HTX, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước để người dân hiểu và tiếp cận được những chính sách này, qua đó góp phần tăng hiệu quả hoạt động của các HTX trong thời gian tới.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc