Multimedia Đọc Báo in

Nguy hại từ cà phê bột giả (Kỳ cuối)

08:09, 05/11/2023

Kỳ cuối: Giữ trọn vị cho cà phê

Thực trạng sản xuất, kinh doanh cà phê bột giả, cà phê kém chất lượng đòi hỏi các ngành chức năng cần có biện pháp mạnh nhằm giữ sạch môi trường kinh doanh ngành cà phê, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng.

Phòng ngừa vi phạm

Trước thực trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm cà phê bột diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã có công văn về việc tăng cường công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán thực phẩm là cà phê bột.

Theo đó, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng, ban, đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường công tác quản lý chuyên ngành, giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê bột. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nói chung và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cà phê nói riêng. Đặc biệt, xây dựng tài liệu hướng dẫn người tiêu dùng, các cơ sở kinh doanh cà phê bột, các nhà hàng, quán cà phê cách nhận biết cà phê bột giả, cách kiểm tra và đánh giá về chất lượng cà phê; không tiếp tay cho các đối tượng sản xuất cà phê giả, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi sản xuất, buôn bán cà phê bột giả.

Quy trình sản xuất cà phê sạch của Công ty TNHH Sản Xuất và Thương mại Vương Thành Công.

Công an tỉnh tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực sản xuất cà phê giả, chú trọng đến các đối tượng sản xuất cà phê giả ở ngoài địa giới hành chính tỉnh Đắk Lắk mang vào địa bàn tỉnh tiêu thụ làm ảnh hưởng đến thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột. Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong khâu lưu thông và có biện pháp đấu tranh kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển cà phê giả, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vương Minh Sơn cho biết, trên cơ sở công văn của UBND tỉnh, đơn vị đã chỉ đạo các đội quản lý địa bàn nắm bắt tình hình tại thực tế; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, kiểm soát tình hình lưu thông, buôn bán của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê bột trên địa bàn quản lý. Song song với đó, kết hợp tuyên truyền, phổ biến cho chủ các cửa hàng kinh doanh, mua bán khi nhập sản phẩm phải đầy đủ giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ, nhãn mác sản phẩm. Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ quá trình lưu thông nhằm ngăn chặn các trường hợp vận chuyển cà phê giả, cà phê kém chất lượng vận chuyển đến Đắk Lắk để tiêu thụ, làm ảnh hưởng đến thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, tính cạnh tranh và uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà cà phê giả, kém chất lượng được sản xuất, bán ra thị trường cho người tiêu dùng sử dụng còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Cụ thể, cà phê bột giả được sản xuất với các thành phần từ hạt đậu nành, bắp rang cháy... trộn lẫn với hóa chất tạo màu, tạo mùi, chất điều vị nên việc sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây ra các triệu chứng như đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, dị ứng, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến ung thư.

Một doanh nghiệp sản xuất cà phê giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2023.

Trong khi đó, để phân biệt cà phê nguyên chất và cà phê giả, bột cà phê thật với bột của các loại hạt ngũ cốc khác thì với người tiêu dùng bình thường sẽ là điều không dễ. Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại cà phê Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, cà phê là một loại hạt rất đặc biệt và rất khác biệt. Theo đó, khi cầm trên tay bột cà phê rang sẽ thấy đầy, to hơn cà phê giả làm từ bột các loại hạt như đậu nành và bắp rang cháy. Mặt khác, bột cà phê nguyên chất rất nhẹ, có độ xốp, tơi và rời; trong khi bột của cà phê giả, kém chất lượng do làm từ các loại hạt ngũ cốc khác nên thường dính lại, ít tơi bong hơn. Đặc biệt, cà phê khi rang đến nhiệt độ và thời gian thích hợp thì bột cà phê có màu nâu đậm; còn đối với bắp rang để độn vào cà phê thì phải rang cháy nên thường có màu đen đậm, còn hạt đậu nành rang và xay ra bột có màu nâu đậm đục, ngả vàng đục, hoàn toàn không giống màu cà phê thật.

Có thể thấy, mỗi lần có vụ việc sản xuất cà phê giả, kém chất lượng hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện, người tiêu dùng lại dấy nên nỗi lo lắng, bày tỏ quan ngại về ly cà phê mà mình hay dùng. Thế nhưng, sau đó vì thói quen, vì nhu cầu họ vẫn tiếp tục sử dụng, mà khó có sự xác định rõ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Cũng không thể vì một vài cơ sở sản xuất cà phê giả, kém chất lượng mà đánh đồng những sản phẩm, thương hiệu, doanh nghiệp sản xuất cà phê chân chính khác. Do đó, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm "sạch" cho sản phẩm cà phê bột thì mỗi người hãy tự mình trở thành một người tiêu dùng thông minh, biết cách cách lựa chọn, sử dụng sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.