Thấy gì từ kết quả thu hút đầu tư?
Thời gian qua, Đắk Lắk đã nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy thu hút đầu tư nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Có những giai đoạn thu hút đầu tư “khởi sắc” với những dự án lớn, mang đến nhiều đóng góp cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây hoạt động này lại có dấu hiệu chững lại.
Giai đoạn 2016 - 2020, Đắk Lắk đã thu hút được 329 dự án đầu tư trên các lĩnh vực, với tổng số vốn 57.000 tỷ đồng. Tính bình quân trong giai đoạn này, mỗi năm tỉnh kêu gọi đầu tư 65 dự án, với tổng số vốn khoảng hơn 11.400 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án lớn, phát huy được tiềm năng, hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, với khoảng 12 dự án như điện gió, điện mặt trời... Tuy nhiên, đến giai đoạn từ năm 2021 đến 9 tháng năm 2023, tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh có dấu hiệu chững lại. Cụ thể: giai đoạn này, tỉnh đã tiếp 400 lượt nhà đầu tư, với 270 hồ sơ, trong đó có những nhà đầu tư tiềm năng như các tập đoàn VinGroup, SunGroup, FLC... Tuy nhiên, chỉ có 48 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn 28.000 nghìn tỷ đồng. Như vậy, bình quân trong ba năm, mỗi năm Đắk Lắk chỉ thu hút được 16 dự án, với tổng số vốn khoảng hơn 9.000 tỷ đồng. So với giai đoạn trước, cả số dự án và tổng vốn đầu tư vào tỉnh đều giảm.
Nhà máy điện gió Ea Nam tại huyện Ea H’leo. |
Chia sẻ và giải đáp “trăn trở” của một số doanh nghiệp về tình hình “đi xuống” của công tác thu hút đầu tư tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, nguyên nhân của việc thu hút đầu tư giảm là do sau đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động. Thị trường bất động sản “đóng băng” trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến tình hình thu thuế cũng như thu nhập của doanh nghiệp. Thậm chí nhiều dự án trên địa bàn tỉnh không có nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt cũng ảnh hưởng đến tình hình thu hút đầu tư. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa không tạo ra được dự án lớn... nên nguồn lực đầu tư cũng bị hạn chế.
Nhìn nhận sâu hơn, khó khăn do khách quan đã đành, nhưng vấn đề chủ quan cũng không nhỏ. Bởi cùng chung tình hình biến động kinh tế, nhưng có không ít địa phương trong cả nước vẫn thu hút được nhiều dự án đầu tư vào tỉnh mình. Trước sự "càn quét" của “cơn bão suy thoái”, nhiều chuyên gia vẫn khẳng định cần làm tốt công tác thu hút đầu tư để có nguồn lực vực dậy nền kinh tế. Đề cập đến giải pháp để tạo chuyển biến trong công tác thu hút đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cũng đã khẳng định rằng, làm tốt công tác quy hoạch là điều kiện tiên quyết, có như vậy mới xác định vị trí và danh mục cần kêu gọi đầu tư. Tiếp theo là cần tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng, giảm nhẹ chi phí logistic. Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng các hồ thủy lợi lớn nhằm tạo năng lực sản xuất, khối lượng sản phẩm nông sản để tăng tổng thu nhập của tỉnh. Một giải pháp quan trọng nữa là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2022, PCI của Đắk Lắk xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, xếp cuối bảng khu vực Tây Nguyên. Đây là một bất lợi rất lớn. Vì vậy các sở, ngành, đơn vị cần rà soát lại các chỉ số, nếu chỉ số nào "rớt" điểm phải xử lý ngay. Ngoài ra, Đắk Lắk cũng kiến nghị Trung ương giải quyết một số vướng mắc liên quan đến các bộ luật, có nhiều nội dung chưa hợp lý, chồng chéo, thậm chí "đối chọi" nhau... Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất là cần xác định đúng thế mạnh của tỉnh để triển khai các bước thu hút đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc