Thị trường còn nhiều dư địa của cà phê Việt Nam
Các FTA thế hệ mới đang tạo ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động trong nước.
Thị trường xuất khẩu rộng mở
Cà phê là một trong 13 mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân.
Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, gia tăng các sản phẩm cà phê chế biến sâu, việc tham gia các FTA đang là động lực thúc đẩy doanh nghiệp (DN) Việt Nam khai thác tiềm năng của các thị trường này.
Đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP - là FTA có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác) đang hỗ trợ các DN Việt Nam có thể tiếp cận và thúc đẩy xuất khẩu vào nhiều thị trường khác.
Chế biến cà phê chất lượng cao ở Trang trại cà phê Aeroco (TP. Buôn Ma Thuột). |
Ngoài yếu tố cung - cầu, các FTA cũng đóng góp không nhỏ giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần toàn cầu. Năm 2023, quy mô thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục phát triển rộng lớn hơn, trong đó xuất khẩu cà phê đặt kỳ vọng sẽ thu về 4,2 tỷ USD. Hiện nay, cà phê Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn là: EU, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Philippines, Anh. Trong đó, EU là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng bình quân 39,3% (theo lượng) và 37,6% (theo trị giá) trong tổng xuất khẩu mặt hàng này. Cà phê Robusta là chủng loại xuất khẩu chính vào thị trường EU, chiếm tỷ trọng 91,5% trong tổng xuất khẩu cà phê sang EU.
Đóng góp vào ngành hàng cà phê cả nước, cà phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hơn 70 quốc gia, với sản lượng xuất khẩu đạt 394.942 tấn (năm 2022), chiếm 23% lượng cà phê xuất khẩu của cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 819 triệu USD, tăng hơn 227 triệu USD so với niên vụ trước (tăng 38,4%), chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.
Theo đánh giá của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak) – đơn vị xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam, từ khi Việt Nam ký kết các FTA đã giúp DN có được những ưu đãi về mặt thuế quan, chính sách phi thuế quan cũng như thuận lợi hơn trong quá trình làm hồ sơ và các bộ chứng từ xuất khẩu. Đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn trên thế giới như Indonesia và các vùng lân cận.
Còn nhiều thách thức
Ngành cà phê Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới rất sớm nên việc mở rộng thị trường rất thuận lợi. Khi các FTA, nhất là những FTA thế hệ mới được thực thi, các DN đều thích ứng sớm với yêu cầu từ phía thị trường nhập khẩu.
Hầu hết các DN xuất khẩu, nhà chế biến, rang xay cà phê lớn của Đắk Lắk đã tập trung vào xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững; định hướng cho người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn và minh bạch tiêu chuẩn của EU nhằm ổn định về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm, bảo đảm cung ứng cho thị trường xuất khẩu.
Tuy dư địa để tận dụng các FTA còn rất lớn nhưng tỷ trọng xuất khẩu tại thị trường EU còn khiêm tốn. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng cà phê dù liên tục ghi nhận tăng trưởng nhưng chưa có thương hiệu, giá trị thu về cho các DN và người lao động còn khá hạn chế.
Nông dân huyện Krông Pắc thu hoạch cà phê. |
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương)
|
Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay đối với ngành cà phê Việt Nam cũng như đối với cộng đồng DN tại Đắk Lắk là vấn đề tiếp cận cơ sở dữ liệu thông tin thị trường và các tiêu chuẩn đáp ứng để có thể xuất khẩu sang thị trường EU. Cụ thể, từ ngày 1/1/2024, khi DN xuất khẩu cà phê sang thị trường EU thì không chỉ dừng lại ở các quy định về về môi trường mà còn có thêm quy định về lao động. Theo đó, các đơn vị nhập khẩu sẽ đánh giá quá trình kinh doanh mặt hàng của DN cung ứng về các vấn đề liên quan đến lao động (về quyền công đoàn, quyền của phụ nữ và trẻ em, chống phân biệt đối xử, an toàn lao động, hợp đồng lao động). Đồng thời, có những quy định liên quan đến cấm hàng hóa sử dụng lao động cưỡng bức. Trong thời gian tới, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam sẽ phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) ban hành "Sổ tay hướng dẫn thực thi các FTA đối với ngành hàng cà phê".
Một trong những “tử huyệt” mà các sản phẩm chế biến cà phê chuyên sâu khó vào được thị trường châu Âu đó là nguồn lực về vốn. Nhiều chuyên gia đánh giá vấn đề vốn là "nút thắt" lớn trong ngành cà phê, ảnh hưởng đến rất nhiều khâu quan trọng trong ngành này. Thực tế cho thấy, tất cả các khâu trong chuỗi ngành hàng, từ sản xuất đến chế biến cà phê đều cần có nguồn vốn lớn, do đó việc bố trí nguồn vốn với thời gian và lãi suất hợp lý là điều vô cùng cấp thiết đối với các DN và người nông dân hiện nay. Chính vì vậy, cần xây dựng một khung cơ chế đặc thù, ứng xử mới về tài chính cho ngành hàng cà phê.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thông tin, hai năm qua Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu biện pháp tạo cơ chế thuận lợi cho DN Việt Nam tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tận dụng FTA, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực. Trong thời gian tới, Vụ Chính sách thương mại đa biên sẽ làm việc với các bên liên quan để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về tạo ra một cơ chế phù hợp giúp DN tiếp cận tín dụng hiệu quả nhất nhằm giải quyết được một phần khó khăn mà DN cà phê nói riêng và DN Việt Nam nói chung gặp phải trong quá trình tận dụng FTA.
Minh Thuận – Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc