Chính sách đặc thù: Tháo gỡ "điểm nghẽn” cho các công trình trọng điểm
Ngày 28/11/2023, Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Theo đó, có 5 chính sách đặc thù được áp dụng đối với 44 danh mục công trình, dự án đường bộ cao tốc và quốc lộ trên phạm vi cả nước.
Hàng loạt dự án được trao cơ chế đặc thù
Theo Nghị quyết số 106, 5 chính sách đặc thù gồm: tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); xem xét quyết định giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư đối với một số dự án quốc lộ, cao tốc qua địa phương; xem xét, quyết định giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản đối với một số dự án qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác; sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.
Đối với 4 cơ chế này cả nước có 23 dự án cao tốc, quốc lộ được áp dụng. Đáng chú ý nhất là cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các công trình. Đây là chính sách được nhiều địa phương, chủ đầu tư mong đợi và xem là “chìa khóa” tháo gỡ “nút thắt” về nguồn vật liệu phục vụ cho công trình giao thông tồn tại bấy lâu nay.
Thi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua huyện Krông Pắc. |
Cụ thể, với việc áp dụng chính sách đặc thù, nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án giao thông đường bộ. Việc khai thác khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản đồng nghĩa với việc không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Song, nhà thầu phải cam kết bảo vệ môi trường, bố trí kinh phí và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Đến thời điểm này, tỉnh Đắk Lắk có Dự án đầu tư đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được áp dụng chính sách đặc thù nói trên.
Gỡ vướng thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản
Việc được hưởng chính sách, cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường đối với Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là điều kiện thuận lợi để tỉnh đẩy nhanh tiến độ dự án kết nối rừng và biển.
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, trong đó Dự án thành phần 2 và Dự án thành phần 3 qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đối với Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản, nhu cầu đá, cát, đất tại 39 vị trí. Trong đó, có 19 mỏ hiện hữu gồm 9 vị trí đá làm vật liệu xây dựng thông thường, được phép khai thác 496.280 m3 nguyên khai/năm; cát làm vật liệu xây dựng thông thường có 7 vị trí, tổng công suất được phép khai thác 251.000 m3; đất làm vật liệu san lấp có 3 vị trí, tổng trữ lượng khai thác hơn 230.000 m3. Ngoài ra có 20 vị trí mỏ chưa cấp phép khai thác, trong đó có 13 mỏ chưa có trong quy hoạch khoáng sản.
Một vị trí thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua huyện Ea Kar. |
Cuối tháng 5/2023, UBND tỉnh đã có công văn về việc xin ý kiến tháo gỡ, khó khăn trong việc giải quyết nguồn vật liệu phục vụ dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo nội dung trả lời của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 4181/VPCP-CN ngày 7/6/2023 chỉ đạo: “UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để lập hồ sơ khai thác đối với các mỏ vật liệu không phù hợp với Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh theo đúng quy định”. Với nội dung của công văn này, 20 mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu do chủ đầu tư Dự án thành phần 2 và Dự án thành phần 3 cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột chưa có căn cứ để cấp mỏ cho nhà thầu.
Hiện nay, việc triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đều bị “vướng” do thiếu nguồn đất đắp. Hầu hết các dự án lớn trên địa bàn tỉnh đều sử dụng đất ở các tầng mỏ thuộc mỏ vật liệu đã được cấp phép, song vị trí công trình cách xa mỏ vật liệu nên quá trình vận chuyển, thi công gặp nhiều khó khăn.
Do đó, khi áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường mà Dự án cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hòa được áp dụng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ dự án của tỉnh. Cơ chế cho phép “bỏ qua” thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc