Multimedia Đọc Báo in

Để "phủ sóng" công nghệ số

08:21, 01/12/2023

Với nhiều người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, người lớn tuổi thì để hiểu và nắm bắt được công nghệ số là điều không thể dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 8/2022, Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tại các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh được triển khai thành lập và đi vào hoạt động, giúp người dân từng bước tiếp cận với công nghệ số một cách thuận tiện, dễ dàng.

Làm quen các nội dung kỹ năng số cơ bản

Tại thị xã Buôn Hồ, chính quyền địa phương đã thành lập 42 tổ CNSCĐ với 390 thành viên. Các thành viên tổ CNSCĐ đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tự bảo vệ mình trên không gian mạng và sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

Trong đó, các đoàn viên thanh niên là lực lượng tiên phong trong việc giúp người dân ứng dụng công nghệ số vào đời sống, học tập, làm việc. Tiêu biểu như ở Đoàn phường An Bình, thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook và trực tiếp đi đến các hộ kinh doanh, gia đình, đoàn viên thanh niên phường đã hỗ trợ người dân thiết lập mã QR cá nhân, QR cho các hộ kinh doanh, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đăng ký định danh điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...

Người dân xã Hòa Phú thực hiện thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.Hồng

Xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) – đơn vị điểm trong thực hiện chuyển đổi số, chính quyền địa phương đã thành lập tổ CNSCĐ tại 15/15 thôn, buôn với 77 thành viên. Theo đó, tổ CNSCĐ đã tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số; đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn”; hỗ trợ cán bộ, nhân dân đăng ký tài khoản Viettel Money để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng. Ngoài ra, còn hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch... thông qua các nền tảng số; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Đến tháng 9/2023, tất cả 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Quyết định thành lập kế hoạch hoạt động các tổ CNSCĐ tại các thôn, buôn, tổ dân phố, gồm 1.426 tổ với 9.278 thành viên.

Chị Nguyễn Đặng Hoài My, thành viên tổ CNSCĐ thôn 6 chia sẻ, để đưa công nghệ số vào đời sống, giúp người dân được tiếp cận theo cách đơn giản, tổ CNSCĐ đã tuyên truyền, hỗ trợ người dân bất cứ đâu, nơi nào từ việc thông qua nhóm Zalo của thôn, họp thôn, đến việc tới tận nhà gặp từng người để hướng dẫn. Ngoài ra, khi người dân có nhu cầu, các thành viên tổ CNSCĐ cũng sẽ nhiệt tình hỗ trợ dù đang ở UBND xã, quán cà phê hay ở chợ... Đặc biệt, việc hỗ trợ không phải chỉ ngày một ngày hai mà theo hình thức “mưa dầm thấm lâu”.

Theo thống kê của UBND xã Hòa Phú, hiện trên địa bàn xã có gần 45% người dân có smartphone; người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng các nền tảng số phục vụ công việc và cuộc sống như: thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán phí, lệ phí thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, nộp học phí, thanh toán viện phí và các giao dịch điện tử khác; mua bán trên sàn thương mại điện tử.

Hỗ trợ theo hình thức “mưa dầm thấm lâu”

Thực tế cho thấy, với vai trò là cầu nối của chính quyền địa phương, các thành viên tổ CNSCĐ đã thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến mọi tầng lớp nhân dân; tổ chuyển đổi số cộng đồng đã và đang nỗ lực tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của cuộc sống, cùng chính quyền địa phương xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số từ cơ sở.

Tổ công nghệ số cộng đồng Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng thanh toán điện tử. Ảnh: Vân Anh

Ông Trương Hoài Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ, để trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho các thành viên tổ CNSCĐ, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp tổ chức phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho 2.122 thành viên theo hình thức trực tiếp phối hợp trực tuyến; ngoài ra, cấp huyện đã chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn được 33 lớp, với 4.533 thành viên. Từ đó, với sự hỗ trợ của mạng lưới tổ CNSCĐ, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, góp phần đạt được những thành quả ban đầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong việc triển khai các nền tảng số quốc gia, quy mô toàn quốc, tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của người dân.

Có thể nói, việc hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số là nhiệm vụ mới mẻ, không phải ngày một ngày hai mà là cả một quá trình dài. Chính vì vậy, đòi hỏi mỗi thành viên của tổ CNSCĐ ngoài việc nỗ lực học hỏi, nâng cao kỹ năng còn phải kiên trì, bền bỉ để hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ, ứng dụng vào cuộc sống.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.