Multimedia Đọc Báo in

Phát triển bền vững sầu riêng: Nhìn từ “thành phố trái cây của châu Á”

08:31, 29/12/2023

Mới đây, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng Hiệp hội Sầu riêng tỉnh và 16 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã có chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan nhằm nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk.

Chuyến công tác bổ ích này đã mở ra những nhận thức và cơ hội phát triển ngành hàng sầu riêng của Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung.

“Cây tỷ đô” ở thủ phủ trái cây

Tỉnh Chanthaburi nằm ở miền Đông Thái Lan, cách thủ đô Băng Cốc 245 km, diện tích tự nhiên 6.338 km2, dân số khoảng 536.000 người. Diện tích canh tác nông nghiệp 365.600 ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích trồng cây ăn quả chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế 137.516 ha, sản lượng 1.073,3 ngàn tấn, trị giá 104,8 tỷ baht (3,03 tỷ USD). Kim ngạch xuất khẩu trái cây năm 2023 ước tính gần 100 tỷ baht (2,89 tỷ USD), trong đó, sầu riêng là trái cây chủ lực, với diện tích 66.087 ha (chiếm 39,3% diện tích sầu riêng của Thái Lan), sản lượng 542.115 tấn, trị giá 86,25 tỷ baht (2,49 tỷ USD), chiếm 82,3% giá trị sản xuất trái cây của tỉnh.

Để có được giá trị đó là cả một quá trình được thực hiện bài bản từ khâu tổ chức sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ông Phanya Pradthsam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và HTX tỉnh Chanthaburi chia sẻ, sản xuất sầu riêng của tỉnh nói riêng, Thái Lan nói chung được triển khai bài bản ngay từ khâu chọn giống. Chính sách của tỉnh là giao cho trung tâm nghiên cứu về giống phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện để chọn, tạo, nhân giống và phân phối cây giống cho các địa phương để thống nhất quản lý về chất lượng giống và hỗ trợ cho người sản xuất.

Khâu tổ chức sản xuất cũng được hết sức coi trọng bằng cách áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Tại Thái Lan, trong tiêu chí xuất khẩu không quy định trồng thuần hay trồng xen mà chỉ quan tâm đến quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm có đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu hay không. Do đó, công tác quản lý chất lượng sầu riêng được thực hiện nghiêm ngặt từ chính quyền đến người nông dân. Bên cạnh trực tiếp quản lý về chất lượng, Nhà nước khuyến khích người sản xuất tự kiểm soát chất lượng bằng cách tuân thủ theo Quy trình GAP đã được phổ biến rộng rãi, áp dụng cho vùng trồng và Quy trình thực hành sản xuất tốt (GMP) cho các cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Về tiêu thụ sản phẩm, bà Wanenee Bunsawat, Giám đốc DN Chế biến cộng đồng Khau Bai Sri (xã Khau Bai Sri, huyện Tha Mai, tỉnh Chanthaburi) cho biết, DN luôn sản xuất, chế biến các sản phẩm sầu riêng theo kế hoạch, đơn hàng được đặt từ trước. Tiêu thụ sầu riêng được thực hiện theo hình thức ký hợp đồng kinh tế giữa chủ hộ và thương lái Trung Quốc, ít có trường hợp hủy hợp đồng. Trước thời điểm thu hoạch 5 ngày, chủ hộ và thương lái sẽ thương lượng chốt giá. Giá bán trong cùng một địa bàn không có chênh lệch giữa các hộ vì nếu xảy ra việc bán phá giá, cảnh sát sẽ can thiệp xử lý. Để có nguyên liệu ổn định, DN liên kết chặt chẽ với nông dân tại các vùng trồng. Chiến lược kinh doanh của DN là đa dạng hóa sản phẩm, có nhiều kênh bán hàng và đẩy mạnh thương mại điện tử.

Đoàn công tác tặng quà ông Yutthayong, chủ vườn sầu riêng tại xã Kraje, huyện Nayaam, tỉnh Chanthaburi.

Bài học cho sầu riêng Đắk Lắk

Với thành phần tham gia là các nhà quản lý, chuyên gia, DN, HTX am hiểu, tâm huyết với nông nghiệp và nhất là cây sầu riêng, Đoàn công tác đã có những đánh giá rất sát để từ đó rút ra bài học giúp ngành hàng sầu riêng của Đắk Lắk phát triển trong thời gian đến.

Đắk Lắk có rất nhiều lợi thế tự nhiên, thậm chí độ màu mỡ đất của các vườn trồng sầu riêng thuộc tỉnh Chanthaburi nhìn chung không bằng tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh những yếu tố kỹ thuật cần lưu ý như: giống, mật độ trồng, kỹ thuật chăm sóc… điều dễ nhận thấy nhất là sản xuất sầu riêng của Thái Lan theo hướng hữu cơ. Nông dân đề cao sử dụng chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ sinh học. Để khuyến khích nông dân hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp nói chung và sầu riêng nói riêng, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra những ưu đãi hấp dẫn cho việc nâng cấp phương thức sản xuất và chất lượng thu hoạch theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

 

Từ thành công của ngành hàng sầu riêng Thái Lan, có thể thấy để sầu riêng Việt Nam nói chung, sầu riêng Đắk Lắk nói riêng phát triển ổn định, bền vững, chúng ta cần nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng sầu riêng xuất khẩu về tầm quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng; ban hành quy định bắt buộc các chủ vườn phải có giấy chứng nhận đánh giá chất lượng sầu riêng trước khi thu hoạch.

Bên cạnh việc tuyên truyền giúp các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng sầu riêng xuất khẩu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương còn nghiêm túc, quyết liệt trong việc tuân thủ các quy định về chất lượng sản phẩm.

Để nâng cao chất lượng xuất khẩu, vào vụ thu hoạch, các tỉnh công bố thời điểm thu hoạch sầu riêng theo vùng và theo giống, Văn phòng Nông nghiệp mỗi tỉnh được giao là đơn vị chịu trách nhiệm lập công bố thu hoạch cấp tỉnh. Trước khi thu hoạch theo ngày thông báo, nông dân tự mang mẫu sầu riêng chuẩn bị thu hoạch đến đơn vị do Sở Nông nghiệp và HTX chỉ định để kiểm định. Nếu sầu riêng đạt các chỉ số yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận về chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn để cắt hái và giấy chứng nhận này được sử dụng kèm theo phương tiện vận chuyển sầu riêng đến cơ sở đóng gói. Tại cơ sở đóng gói sẽ tiếp tục lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm theo các tiêu chí quy định trước khi xuất khẩu...

Kinh nghiệm của Thái Lan làm thương hiệu ngành hàng sầu riêng là cần có sự hợp tác ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp nhà vườn, trong đó cần có sự hợp tác của người làm vườn, thương lái và cả khu vực Chính phủ. Từ thành công của ngành hàng sầu riêng Thái Lan, có thể thấy để sầu riêng Việt Nam nói chung, sầu riêng Đắk Lắk nói riêng phát triển ổn định, bền vững, chúng ta cần nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng sầu riêng xuất khẩu về tầm quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng; ban hành quy định bắt buộc các chủ vườn phải có giấy chứng nhận đánh giá chất lượng sầu riêng trước khi thu hoạch. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp xử lý những trường hợp cố tình làm sai của các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng sầu riêng.

Cần sớm thành lập đơn vị chuyên trách đủ kiến thức và kỹ năng làm nhiệm vụ đào tạo, kiểm tra và xử phạt bất kỳ cơ sở đóng gói nào có tình trạng mua bán sầu riêng kém chất lượng. Đẩy mạnh chuyển đổi số để quản lý minh bạch các khâu trong quá trình sản xuất, đặc biệt là sản lượng và thời điểm thu hoạch. Bộ NN-PTNT cần có chiến lược về nghiên cứu và phát triển giống sầu riêng một cách bài bản từ các viện, trường đại học và chọn lọc cây đầu dòng để đa dạng hóa nguồn giống phục vụ thị trường. Cùng với đó, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định về quản lý và giám sát mã vùng trồng để có chế tài quản lý sầu riêng một cách bài bản và khoa học...

Nguyễn Hoài Dương

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.