Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp

07:20, 05/12/2023

Để bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, những năm gần đây, nhiều nông dân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh đã thay đổi tư duy, cách làm nhằm tiệm cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh.

Gắn mã sản phẩm cho nông sản

Xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp nông dân, HTX nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, mở lối cho nông nghiệp hiện đại, thời gian qua HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) đã từng bước ứng dụng công nghệ số vào trong quản lý, sản xuất, quản trị điều hành và kết nối phát triển thị trường.

Được Cục Kinh tế hợp tác chọn là đơn vị mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm vào năm 2020, HTX đã thiết lập 19 lô sản xuất lúa nguyên liệu tương ứng cho 19 mã lô thành phẩm của Gạo sạch Thăng Bình HTB trên vùng sản xuất VietGAP.

Thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi heo rừng Tây Nguyên (huyện Ea Kar) gắn mã QR cho vật nuôi. Ảnh: V. Anh

Theo đó, mỗi hộ sản xuất được thiết lập sổ nhật ký nông hộ, cập nhật đầy đủ thông tin, hình ảnh từng công đoạn sản xuất theo từng thời điểm của mùa vụ. HTX có bộ phận giám sát, kiểm tra và tổng hợp thông tin từ nhật ký nông hộ để cập nhật vào hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Gạo thành phẩm được sản xuất ra sẽ mang mã lô và tem truy xuất nguồn gốc tương ứng với lô sản xuất. Nhờ vậy, người tiêu dùng khi mua sản phẩm gạo sạch Thăng Bình HTB có thể quét ra được địa chỉ, thông tin hộ sản xuất, thông tin sử dụng vật tư đầu vào, quá trình sản xuất chế biến và cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng tương ứng trên từng túi sản phẩm.

Giám đốc HTX Võ Văn Sơn chia sẻ: Ngoài việc số hóa trong sản xuất, HTX cũng thường xuyên đầu tư nâng cấp, đổi mới các trang thông tin Thăng Bình HTB trên website, các trang mạng xã hội như fanpage, Youtube, Zalo, TikTok… nhằm nâng cao hiệu quả giới thiệu quảng bá hình ảnh hoạt động sản xuất, thông tin các sản phẩm của HTX. Đầu năm 2023, HTX đã nâng cấp triển khai ứng dụng phần mềm Larksuite để lưu trữ dữ liệu thông tin, tổ chức hội họp, làm việc trực tuyến, quản lý vận hành hoạt động của các phòng, ban, lên lịch sắp xếp quản lý công việc, làm việc đội, nhóm từ xa giúp HTX tiết kiệm được thời gian, nguồn lực và bảo mật thông tin.

Khách hàng tham quan, tìm hiểu sản phẩm gạo của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình. Ảnh: Đinh Nga

Là một trong những người đi đầu ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, ông Trần Ðình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, từ đại dịch COVID-19, HTX đã nỗ lực tiếp cận và từng bước vận dụng kinh doanh online, kinh doanh thông qua các nền tảng số. Nhờ vậy, các thành viên cũng đã quen và thành thạo hơn với các kênh thông tin, app bán hàng, nền tảng số để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; áp dụng công nghệ, phương tiện kỹ thuật để tra cứu lịch sử sản xuất, truy xuất nguồn gốc, mã sản phẩm. Việc kinh doanh trên nền tảng số giúp HTX tiếp cận được lượng khách hàng thụ động, tiêu thụ sản phẩm dễ dàng và tiết kiệm hơn.

Hỗ trợ nông dân lên sàn thương mại điện tử

 

Đến nay đã có 184 cơ sở hội, 302 tổ hợp tác, 334 hợp tác xã, 35 chi hội nghề nghiệp, 84 tổ hội nghề nghiệp, 1.745 hộ nông dân, trang trại đăng ký tham gia gian hàng trên Chợ nông sản Đắk Lắk online với tên miền chonongsandaklak.vn.

Thực hiện Kế hoạch số 65/KH-UBND, ngày 18/3/2022 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đến nay các sở, ngành đã hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đưa 1.695 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; đào tạo kỹ năng số cho gần 258.000 nông dân. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm.

Diễn đàn "Nông dân khởi nghiệp, nông dân thời kỳ công nghệ số" do Hội Nông dân tỉnh vừa tổ chức cũng đã tạo cơ hội cho hội viên, nông dân, các HTX, THT, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trực tiếp được phản ánh tâm tư, nguyện vọng về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp, chuyển đổi số và có những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến quá trình khởi nghiệp. Trao đổi tại diễn đàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Đức Côn cho biết, người nông dân trong chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. Chính quyền cần hỗ trợ người dân về mọi mặt để có thể thực hiện chuyển đổi số thành công.

Người tiêu dùng truy xuất thông tin của sản phẩm gạo sạch Thăng Bình HTB qua mã QR được in trên bao bì. Ảnh: V.Anh

Với mong muốn giới thiệu bức tranh toàn cảnh, sinh động về nông sản của tỉnh, thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm an toàn, hướng tới nông dân tham gia nền nông nghiệp điện tử, nông nghiệp bền vững, trung tuần tháng 11 vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã ra mắt Chợ nông sản Đắk Lắk online với tên miền chonongsandaklak.vn.

 Ông Võ Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định, song song với phong trào khởi nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan, cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cả hệ thống chính trị, của các ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, đặc biệt là người nông dân. Đây cũng là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.