Cây nén "bén" đất Krông Búk
Tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Cư Né (huyện Krông Búk) đã đưa củ nén hay còn gọi là hành tăm - một loại cây gia vị - thích hợp với vùng đất cát, được trồng phổ biến tại các tỉnh miền Trung vào trồng trên diện tích đất tái canh ở địa phương cho hiệu quả kinh tế cao.
Thời điểm này, anh Phan Văn Thành (SN 1986, ở thôn 6) đang tất bật thu hoạch củ nén. Anh trò chuyện, khoảng 9 năm trước, gần nhà anh có nhiều người từ tỉnh Quảng Ngãi vào thuê đất trồng củ nén. Thấy cây nén cho năng suất cao, đem lại thu nhập khá, anh theo học hỏi, sau đó quyết định trồng thử 2 sào, rồi dần dần mở rộng diện tích lên 1 ha.
Gắn bó với loại cây trồng này nhiều năm, anh Thành so sánh: Giá thành củ nén ổn định hơn so với nhiều loại nông sản ngắn ngày khác. Cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cũng khá đơn giản. Ngay bản thân anh cũng tự học hỏi cách thức trồng, chăm sóc từ những người làm củ nén đi trước và qua mỗi mùa vụ lại đúc rút thêm kinh nghiệm để làm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. "Trồng củ nén trái vụ bán được giá thành cao hơn. Giống củ nén quyết định năng suất, chất lượng, do đó tôi chọn mua giống loại cây này từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về trồng. Trung bình 1 ha, tôi xuống khoảng 2 tấn giống và chỉ cần bón phân chuồng, phân lân là cây sinh trưởng tốt", anh Thành chia sẻ kinh nghiệm.
Gia đình Phan Văn Thành thu hoạch củ nén. |
Củ nén trồng khoảng 60 ngày bắt đầu thu hoạch, mỗi héc-ta cho năng suất trên 7 tấn. Với giá dao động từ 90.000 - 170.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, anh Thành thu về trên 250 triệu đồng/ha. Thấy hiệu quả kinh tế từ trồng củ nén khá cao, ổn định, từ đầu năm 2023, anh Thành phối hợp với hai thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên khởi nghiệp huyện Krông Búk trồng thêm 1 ha, hiện nay cũng đang vào vụ thu hoạch chính. Củ nén sau khi thu hoạch được thương lái chở đi các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi để tiêu thụ.
Anh Vũ Minh Cường, Chủ nhiệm CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Krông Búk cho biết: CLB sẽ nhân rộng mô hình này đến đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Ngoài hỗ trợ về kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, CLB sẽ liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, CLB liên kết với các hội, đoàn thể ở địa phương giới thiệu nguồn vốn vay khởi nghiệp, nguồn vốn vay ưu đãi cho đoàn viên thanh niên để ngày càng có nhiều thanh niên địa phương có vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, tiến tới mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng mặt hàng nông sản này và mong muốn tạo nên thương hiệu nén Krông Búk.
Kim Huế
Ý kiến bạn đọc