Multimedia Đọc Báo in

Chấm dứt hoạt động một dự án đầu tư tại Cụm công nghiệp Cư Kuin

14:03, 09/01/2024

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị vừa ký ban hành văn bản số 10629/UBND-TH, về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư Nhà máy chế biến đá ốp lát Granit Tấn Phát Đắk Lắk (gọi tắt là dự án) của Công ty TNHH Tấn Phát Đắk Lắk tại Cụm Công nghiệp Cư Kuin.

Theo đó, thống nhất chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư Nhà máy chế biến đá ốp lát Granit Tấn Phát Đắk Lắk tại thửa đất Lô CNs1-01 đến Lô CNs1-12 (12 lô), Cụm Công nghiệp Cư Kuin theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư.

Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư số 2967/QĐ-UBND ngày 11/10/2019; Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư số 3435/QĐ-UBND ngày 8/12/2021 của UBND tỉnh hết hiệu lực tại thời điểm UBND tỉnh ban hành văn bản thống nhất việc chấm dứt dự án.

UBND tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020.

th
Nhiều dự án tại Cụm công nghiệp Cư Kuin rơi vào tình trạng “án binh bất động” gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về việc chấm dứt hoạt động đối với dự án nói trên. Theo đó, dự án được UBND tỉnh cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư số 2967/QĐ-UBND ngày 11/10/2019; Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư số 3435/QĐ-UBND ngày 08/12/2021.

Theo văn bản thông báo chấm dứt hoạt động dự án đầu tư ngày 9/10/2023 và Quyết định số 03/2023/QĐ-CSH ngày 6/10/2023 của Công ty TNHH Tấn Phát Đắk Lắk, Nhà đầu tư xác định chấm dứt hoạt động dự án kể từ ngày 12/10/2023. Lí do chấm dứt hoạt động được đưa ra là do quy hoạch Quốc gia về khai thác chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn 2050 chưa phê duyệt (trong đó có mỏ đá Granit ốp lát tại thôn 6, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). Thêm vào đó, tình hình kinh tế thế giới suy thoái, dịch bệnh COVID-19 diễn ra trong quá trình thực hiện dự án, do đó công ty này không thực hiện được theo đúng tiến độ quy định.

Tại buổi làm việc với huyện Cư Kuin vào tháng 8/2022, sau khi ghi nhận ý kiến, kiến nghị của huyện Cư Kuin về thực trạng hoạt động của Cụm công nghiệp Cư Kuin, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đã giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh thành lập Đoàn công tác liên ngành với thành phần là các sở, ngành liên quan và địa phương kiểm tra, đánh giá hiệu quả cũng như việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp đã đăng ký và triển khai dự án trong Cụm công nghiệp, báo cáo kết quả để Thường trực Tỉnh ủy xem xét chỉ đạo. Công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả trên tinh thần những doanh nghiệp gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, do cơ chế thì tạo điều kiện hỗ trợ, còn những doanh nghiệp không triển khai hoạt động hoặc khi hoạt động có nhiều vi phạm nghiêm trọng thì phải thu hồi.

Liên quan đến hoạt động của các dự án đầu tư tại Cụm công nghiệp Cư Kuin, Báo Đắk Lắk đã đăng tải loạt bài viết "Lãng phí nguồn lực đất đai: Nhìn từ Cụm công nghiệp Cư Kuin", phản ánh về việc Cụm công nghiệp Cư Kuin hơn 10 năm qua chỉ hoạt động cầm chừng, nhiều dự án rơi vào tình trạng “án binh bất động” gây lãng phí nguồn lực đất đai. Cùng với nhiều dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, thậm chí bị “treo” nhiều năm liền gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của địa phương. 

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.