Multimedia Đọc Báo in

Nông dân chưa "mặn mà" tham gia hợp tác xã, vì sao?

07:12, 03/01/2024

Liên kết để sản xuất nông nghiệp được ví như “chìa khóa” để nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, những năm qua, một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, bất cập khiến người dân không "mặn mà" tham gia.

"Mạnh ai nấy làm"

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, hiện nay sản xuất nông nghiệp tại các địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình nên rất khó khăn trong thực hiện liên kết sản xuất theo quy mô lớn. Liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản bước đầu hình thành, nhưng chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng. Điều này biểu hiện ở hợp đồng liên kết còn thiếu chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý khi vi phạm.

Cụ thể, khi giá thị trường tăng cao so với giá thỏa thuận trong hợp đồng thì bên bán (hộ nông dân, HTX) có thể xuất bán cho đối tác khác; ngược lại khi giá nông sản giảm sâu thì doanh nghiệp (DN) cũng sẵn sàng đánh đổi uy tín, ép HTX để mua với giá thấp hơn.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất được hỗ trợ máy xay xát gạo công nghệ cao nhưng không thể phát huy hết công năng.

Ngoài ra, mối liên kết giữa nông dân, HTX và DN chưa thực sự bền vững. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Hợp Nhất (huyện Ea Kar) Phan Đình Xuân, các thành viên sản xuất theo kiểu “mạnh ai người nấy làm” nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung làm ra đủ số lượng sản phẩm để HTX liên kết với DN. Trong khi đó, mặc dù HTX đã liên kết với công ty tại địa phương để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau bồ công anh nhưng DN chưa thể thu mua, bao tiêu hết sản phẩm khiến bà con bị hạn chế đầu ra. Do đó, nông dân chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc liên kết tiêu thụ; DN chưa chú trọng vào khâu đầu tư vùng nguyên liệu để thực hiện hợp đồng sản xuất bền vững; đầu ra sản phẩm phụ thuộc vào khâu trung gian khiến hiệu quả kinh tế không cao.

 

“Nguồn vốn khuyến công chỉ hỗ trợ kinh phí 194 triệu đồng, tôi phải vay thêm 276 triệu đồng để mua máy. Có tiếng là tập thể nhưng thực chất là vốn của cá nhân tôi. Một mình nên không đủ nguồn lực để thu mua, mỗi năm máy chỉ xay xát được khoảng 60 tấn lúa khiến tôi phải gánh một khoản lãi nợ lớn. Nhu cầu của thị trường về các loại gạo hữu cơ rất cao nhưng thiếu sự liên kết sản xuất khiến HTX không đủ nguồn hàng để cung cấp” - ông Đoàn Văn Ương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản của các HTX còn nhiều hạn chế, khó thu hút DN hợp tác, liên kết để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Việc triển khai các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm là mô hình mới nên quá trình triển khai còn nhiều lúng túng, khó khăn.

Sự liên kết chủ yếu là trực tiếp giữa nông hộ với HTX và DN, với quy mô còn rất hạn chế; số đơn vị tham gia còn ít; tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng thấp khiến tình trạng tiêu thụ sản phẩm nông sản của nông dân còn gặp nhiều khó khăn…

Chưa thấy được lợi ích lâu dài

Một thực tế tại nhiều HTX là số lượng thành viên ngày càng suy giảm. Đơn cử như HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Hợp Nhất (huyện Ea Kar) khi thành lập năm 2007 có 29 thành viên, nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn 8.

Theo lãnh đạo HTX này, tất cả các thành viên phải phối hợp để làm ra sản phẩm nhưng người dân chỉ tham gia HTX với mong muốn sẽ thuận lợi hơn trong việc vay vốn phát triển.

Việc thiếu cơ sở vật chất, vốn điều lệ thấp, không có tính bền vững, liên kết chưa tương xứng với nhu cầu, kỳ vọng của thành viên… đã khiến nông dân ngày càng chán chường, rời bỏ HTX.

Tại huyện Lắk, ông Y Siu Yem, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, địa phương hiện có 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng có một số HTX chỉ hoạt động cầm chừng, chưa thực sự hiệu quả. Họ phải đối diện với nhiều trở ngại: biến đổi khí hậu; sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chưa cao; năng lực quản lý, quản trị còn hạn chế; triển khai các chính sách hỗ trợ HTX còn bất cập; mức độ liên kết và tính bền vững trong sản xuất, tiêu thụ chưa đủ mạnh; thiếu quỹ đất để hoạt động… Từ những nguyên nhân trên dẫn đến người dân không mặn mà tham gia, bởi HTX chưa mang lại lợi ích cho họ.

Ông Phan Đình Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Hợp Nhất (huyện Ea Kar) giới thiệu rau bồ công anh đến khách hàng để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Đơn cử như HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất (xã Buôn Triết) đã bắt đầu triển khai trồng lúa hữu cơ năm 2010 và đã được cấp Chứng nhận VietGAP từ năm 2017. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có khoảng 20 ha trồng lúa hữu cơ, chủ yếu là tài sản riêng của Giám đốc HTX.

Theo ông Đoàn Văn Ương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất, so sánh giá thành và năng suất, gạo hữu cơ chỉ cao hơn gạo vô cơ 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng năng suất lại thấp hơn khoảng 3 - 4 tấn. Do đó, khi nhìn vào lợi ích trước mắt, người dân không mặn mà liên kết với HTX để sản xuất.

Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc mở rộng diện tích canh tác mà còn khiến máy móc xay xát gạo công nghệ cao của HTX (do Đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ vốn để mua năm 2022) hoạt động không hiệu quả do thiếu nguồn nguyên liệu.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.