Có những "đồng bằng" trên cao nguyên
Vùng đất cao nguyên Đắk Lắk không chỉ ưu ái cho con người nơi đây những nông trường cà phê, cao su bạt ngàn mà còn có những cánh đồng bất tận mang lại “mùa vàng” và sự no ấm.
Từ thuở khai hoang…
Đã bước vào tuổi xế chiều, nhưng trong ký ức ông Nguyễn Gia Tuyết (xã Buôn Tría, huyện Lắk) vẫn vẹn nguyên hành trình “mở đất” trồng lúa. Tháng 6/1977, theo chủ trương của Nhà nước, gia đình ông Tuyết cùng 54 hộ dân khác tại tỉnh Thái Bình vào vùng đất mới khai hoang, mở đất. Hơn 5 ngày 5 đêm di chuyển hàng nghìn cây số để đặt chân lên vùng đất mới, các hộ dân phải đối diện với nhiều cái lạ: lạ nước, lạ thời tiết, lạ canh tác, sản xuất…
Mùa vàng trên cánh đồng huyện Lắk. Ảnh: Thế Hùng |
Ông Tuyết kể lại, thuở ấy, nơi đây là vùng đồi núi hoang vu, cánh đồng bạt ngàn lau sậy, mỗi hộ dân được cán bộ tiền trạm dựng tạm một cái chòi trên nền gốc tre, lồ ô. 54 hộ dân cùng lập nên Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Liên Kết để khai hoang. Thời điểm đó chưa có máy móc nên việc khai hoang chủ yếu bằng sức người và những công cụ lao động thô sơ để phát dọn thành ruộng. Do khai hoang thủ công nên mỗi hộ chỉ được khoảng 200 - 300 m2 đất, lại chưa quen với mùa vụ; không có đập chứa nước nên canh tác phụ thuộc vào thời tiết khiến việc sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn. Suốt hai năm ròng rã, người dân phải ăn gạo trợ cấp của Nhà nước; cảnh thiếu đói diễn ra triền miên khiến một số hộ lo âu muốn quay về quê cũ. Với vai trò là Ủy viên HTX, ông đã động viên bà con ở lại tiếp tục khai hoang và cùng nghiên cứu tìm ra giải pháp. Sau một thời gian, bà con đã học hỏi được kinh nghiệm trồng lúa của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương và nắm rõ được quy luật thời tiết. Vì vậy, việc canh tác lúa trở nên thuận lợi hơn, mỗi năm người dân trồng được một vụ cho năng suất 5 - 6 tấn/ha.
Là một trong những người rời quê hương Quảng Nam đi phát triển kinh tế ở vùng đất Tây Nguyên, ông Hồ Thanh Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quảng Tân (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) vẫn nhớ như in những ngày đầu đặt chân lên vùng đất mới. Ông Hùng bộc bạch, thuở ấy, nơi đây toàn rừng già, sình lầy, lau sậy, các hộ dân phải trồng hoa màu làm lương thực để sống qua ngày. Từ năm 1977, phong trào khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích lúa nước hai vụ, lúa nương, trồng rau màu và các chiến dịch làm thủy lợi phục vụ sản xuất diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh. Lúc đó, lương thực còn khan hiếm, ăn uống kham khổ, thức ăn chủ yếu là cơm độn khoai sắn, trong khi lao động cần nhiều sức. Tuy nhiên, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền nên phần lớn bà con hưởng ứng, không quản kham khổ, ngày đêm bám ruộng khai hoang. Đất không phụ công người, nhờ chăm chỉ khai hoang mà giờ đây nhiều cánh đồng lúa trù phú hình thành trải dài hàng trăm héc-ta ven dòng sông Krông Ana, cho năng suất cao từ 8 tạ đến 1 tấn/sào.
Giai đoạn 1978 - 1979, công cuộc khai hoang trên địa bàn tỉnh diễn ra rất sôi nổi. Với những chủ trương đúng đắn, hợp với lòng dân, hàng vạn người đủ mọi tầng lớp đồng loạt xuống đồng, tay cuốc, tay xẻng dọn từng bụi cây, cuốc từng lát đất để biến vùng đất hoang vu thành những cánh đồng lớn. Trong giai đoạn này, tỉnh đẩy mạnh công tác khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, với 60 công trường khai hoang, khai phá được trên 50.000 ha. Tiêu biểu như công trường Buôn Trấp - Ea Chai, Điện Bàn (nay thuộc huyện Krông Ana); Ea Yiêng, Ea Kuăng, Hòa Tiến (huyện Krông Pắc); Cuôr Đăng (TP. Buôn Ma Thuột); Tam Giang (huyện Krông Năng) và Quảng Khê, Đức Xuyên, Đạo Nghĩa, Đức Minh, Đức Mạnh (nay thuộc tỉnh Đắk Nông)...
… đến những cánh đồng bất tận
Trải qua hơn 45 năm khai hoang, cánh đồng Buôn Tría (huyện Lắk) hiện có diện tích khoảng hơn 940 ha, chủ yếu sản xuất các giống lúa chất lượng cao như Đài Thơm 8, ST24, ST25, OM18, với năng suất từ 7 - 11 tấn/ha. Theo ông Vũ Xuân Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Tría, người dân đã biết liên kết sản xuất, tham gia vào các HTX để được hỗ trợ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp nguồn nước tưới nên mang lại hiệu quả cao. Đời sống của bà con ngày càng khấm khá, nhiều nông hộ sở hữu hàng chục héc-ta lúa, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
Nông dân huyện Lắk áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa. Ảnh: Thế Hùng |
Cùng với Buôn Tría, ven dòng sông Krông Ana, những cánh đồng hoang hóa ngày nào đã trở nên trù phú nhờ khai hoang và phù sa bồi đắp như Buôn Tría, Đắk Liêng (huyện Lắk), Quảng Điền, Bình Hòa, Khuê Ngọc Điền, Buôn Trấp (huyện Krông Ana). Trải qua quá trình canh tác, đầu tư cơ sở hạ tầng tưới tiêu, cùng thiên nhiên ưu ái cho đất đai trù phú, giờ đây đã xuất hiện cánh đồng hàng vạn héc ta trên cao nguyên Đắk Lắk. Điển hình như các cánh đồng ở Ea Kar (13.500 ha, sản lượng 96.000 tấn); Ea Súp (24.300 ha, sản lượng gần 123.500 tấn) và Krông Pắc (17.800 ha, sản lượng trên 129.600 tấn)...
Nhờ vậy, sản xuất lúa của Đắk Lắk đang dẫn đầu khu vực Tây Nguyên; năng suất bình quân của tỉnh đạt 67,1 tạ/ha, đứng đầu khu vực và đứng thứ hai trong cả nước. Hầu hết các vùng trồng lúa trong tỉnh sử dụng giống lúa chất lượng cao, nhiều giống lúa mới có chất lượng được công nhận, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như: Đài thơm số 8, RVT, ST24, ST25, OM4900, HT1, OM5451…, năng suất bình quân 7 - 8 tấn/ha.
Lúa gạo tuy không phải là nông sản chính của Đắk Lắk, nhưng có vị trí quan trọng trong an ninh lương thực, cũng như góp phần nâng cao đời sống kinh tế vùng nông thôn. Đặc biệt trong bối cảnh mới, sản xuất lúa gạo đang đứng trước nhiều cơ hội lớn khi dự báo nhu cầu thị trường gạo thế giới vẫn còn tiếp tục tăng lên trong 10 năm tới (với mức tăng bình quân 1,5%/năm). Tuy nhiên, để phát huy lợi thế cũng như tận dụng được cơ hội đó, ngành lúa gạo Đắk Lắk cần được tái cơ cấu để từ vai trò sản xuất chủ yếu vì mục tiêu an ninh lương thực trở thành một ngành kinh tế mang lại lợi ích cho người sản xuất và có tính cạnh tranh cao trong xuất khẩu.
Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ duy trì đảm bảo diện tích gieo trồng 97.000 ha lúa/năm. Đồng thời, tập trung xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm như: Ea Súp, Lắk, Krông Ana, Ea Kar… Tiến tới phát triển ổn định, bền vững vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực nông hộ, kết cấu hạ tầng, để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân và đảm bảo an ninh lương thực…
Theo GS. Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, ở Đắk Lắk, lúa nước cần chú trọng phẩm chất gạo đặc sản hơn là phấn đấu theo sản lượng. Đồng thời, nên vận hành sản xuất theo quy trình từ thấp đến cao như IPM, “Một phải - Năm giảm”, VietGAP rồi mới đến sản xuất hữu cơ. Quan trọng là sự kết nối giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ phải thông suốt, không đứt gãy để những đồng bằng trên cao nguyên Đắk Lắk thành vựa lúa quan trọng của cả nước. |
Minh Khánh
Ý kiến bạn đọc