Multimedia Đọc Báo in

Hướng đến xây dựng Buôn Ma Thuột thành trung tâm logistics vùng Tây Nguyên

08:14, 06/02/2024

Trong những năm qua, TP. Buôn Ma Thuột đã có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đang dần trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh, bản sắc theo tinh thần Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị. Thành phố cũng đang đặt mục tiêu sớm trở thành một đô thị đầu mối giao thông liên vùng, là trung tâm logistics vùng Tây Nguyên trong tương lai.

Triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù

Nghị quyết số 72/2022/QH15 được Quốc hội ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột. Đây là sự quan tâm đặc biệt, tiền đề thu hút đầu tư, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá cho TP. Buôn Ma Thuột xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung (thứ hai từ trái sang) tham quan các gian hàng tại Chợ phiên @ Buôn Ma Thuột.

Theo Nghị quyết 72, TP. Buôn Ma Thuột được áp dụng 5 chính sách đặc thù. Trong đó, đối với chính sách 1 về mức dư nợ vay của tỉnh Đắk Lắk (phần dư nợ tăng thêm 20% so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước được dành toàn bộ để đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố), thành phố đề xuất thành 2 dự án độc lập để tận dụng và phát huy tối đa cơ chế gồm Dự án phát triển đô thị xanh khu vực phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam, tổng mức đầu tư gần 8.164 tỷ đồng và Dự án Phát triển đô thị bền vững TP. Buôn Ma Thuột, tổng mức đầu tư trên 4.033 tỷ đồng. Các dự án được đầu tư sẽ hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, khu đô thị dọc hành lang suối, tạo không gian phát triển mới cho Buôn Ma Thuột, đồng thời tăng thu ngân sách nhà nước thông qua thu biện pháp tài chính, giải quyết việc làm cho người lao động… Đối với chính sách 2 về phân bổ phần kinh phí tăng thêm 45% định mức chi thường xuyên, HĐND thành phố đã đồng ý phân bổ sử dụng nguồn ngân sách Trung ương bổ sung gần 336,4 tỷ đồng.

Đối với chính sách 3 về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách 4 về quản lý quy hoạch và chính sách 5 về ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt để thu hút nhân tài làm việc tại địa phương, thành phố đã và đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu chính quyền địa phương các cấp về các văn bản nhằm cụ thể hóa nghị quyết.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, để TP. Buôn Ma Thuột xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, địa phương cần tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết 72 của Quốc hội; chủ động bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, để phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có tạo bước đột phá mạnh mẽ trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Đầu tư nhiều dự án án giao thông liên kết vùng

Được sự quan tâm của Trung ương và địa phương, nhiều công trình hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động giao thương của người dân.

UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết, giai đoạn 2021 - 2026 và 2026 - 2030, địa phương được ưu tiên đầu tư 17 dự án trọng điểm. Đến nay đã bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho 8 dự án với tổng mức dự kiến khoảng 32.000 tỷ đồng. Các dự án còn lại đều đã được dự kiến đưa vào các quy hoạch cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia để có cơ sở triển khai thực hiện trong giai đoạn tới.

Đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk chính thức hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10/2023.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, để tạo động lực mới phát triển tỉnh Đắk Lắk nói chung và thành phố nói riêng, một số dự án trọng điểm có tính chất vùng, liên vùng có tác động lan tỏa đã được tập trung triển khai thực hiện như: Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, Dự án Khu dịch vụ hậu cần trung chuyển (logistisc), công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản, đang được thẩm định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, với tổng diện tích 495,5 ha; Dự án Phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành Cảng hàng không quốc tế đang được Cục Hàng không Việt Nam xem xét, lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch sân bay Buôn Ma Thuột thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (dự kiến đến năm 2030 sẽ nâng công suất nhà ga đáp ứng 5 triệu hành khách mỗi năm),...

Theo Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng, các dự án này đã và đang được triển khai sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lớn vào địa bàn thành phố, từng bước xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thành trung tâm công nghiệp chế biến cà phê và nông sản, trung tâm dịch vụ hàng đầu của Tây Nguyên. Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh “Thành phố cà phê của thế giới”, nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia. Tại Nghị quyết số 103, trong chương trình hành động của Chính phủ về thực Kết luận số 67 cũng nêu rõ các giải pháp xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, nhấn mạnh các giải pháp tăng cường thu hút nguồn lực triển khai các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đẩy mạnh liên kết vùng.

Còn tại Quyết định số 518/QĐ-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hoàn thiện kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp và triển khai thành lập khu chức năng trên địa bàn thành phố, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hình thành, đầu tư trung tâm logistics, công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Việc ban hành kế hoạch này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 103 của Chính phủ, hướng đến xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin viễn thông đồng bộ, có tính kết nối cao nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa thông suốt, làm động lực để phát triển.

Xuân Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.