Multimedia Đọc Báo in

Huyện M'Drắk : Những bước tiến vững chắc hiện thực các mục tiêu của nhiệm kỳ

09:25, 04/02/2024

Trong năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu, lĩnh vực quan trọng của huyện M’Drắk đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới cũng như góp phần hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nền kinh tế của huyện tiếp tục có sự tăng trưởng tốt với tổng giá trị sản xuất đạt hơn 6.101 tỷ đồng (tương đương 102% so với kế hoạch, tăng gần 10% so với năm 2022). Giá trị sản xuất bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt hơn 157 triệu đồng/năm (đạt 109,8% kế hoạch và tăng hơn 17% so với cùng kỳ). Tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn huyện đạt hơn 1.263 tỷ đồng (đạt 107,6% kế hoạch)…

Một tín hiệu lạc quan nữa cho thấy rõ sự tăng trưởng nền kinh tế của huyện là thu ngân sách năm 2023 ước thực hiện gần 128 tỷ đồng (đạt 123% kế hoạch tỉnh giao và tăng 7,1% so với cùng kỳ). Các ngân hàng trên địa bàn huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn và cho vay kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của nhân dân, doanh nghiệp…

Huyện M'Drắk ngày một đổi mới. Ảnh: Tiến Ninh

Song song với việc chú trọng phát triển kinh tế, huyện M’Drắk đặc biệt quan tâm triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo, bảo đảm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đối tượng chính sách, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ nhiều nguồn lực, địa phương đã hoàn thành việc điều chỉnh, giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia với số tiền giải ngân là gần 283 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện thực hiện được 174/228 tiêu chí nông thôn mới (tăng 31 tiêu chí so với năm 2022), đã có 2 xã về đích nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 7,23% (kế hoạch là 4-5%); giải quyết việc làm cho 1.678 lao động (đạt 116,3% kế hoạch và tăng 15% so với cùng kỳ)…

Năm 2023, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững. Điều này được thể hiện cụ thể qua tỷ lệ giao quân đạt 100%; tỷ lệ điều tra khám phá án chung đạt 85%; kiềm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí; tỷ lệ xã vững mạnh toàn diện về quốc phòng - an ninh đạt 100%...

Những kết quả đã đạt được thể hiện sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy; sự chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành UBND huyện. Trong đó, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã bám sát định hướng lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Nghị quyết của HĐND huyện về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; các văn bản của Trung ương, của tỉnh một cách đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Bên cạnh đó, năm 2023, với phương châm “lấy sự hài lòng” của nhân dân làm thước đo, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp của huyện cũng tích cực đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đã kịp thời tháo gỡ, giải quyết vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy dăm gỗ Hợp tác xã Tiến Nam.

Phát huy kết quả đã đạt được, huyện M’Drắk đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong năm 2024. Trong đó, đẩy mạnh chuyến dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực, bảo đảm đúng định hướng là giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đôi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, cùng với khai thác, tận dụng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh cùa huyện. Tích cực huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ thông tin, chuyển đổi số...

Tăng cường cải cách thủ tục hành chính nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm nhằm giúp người lao động chủ động tìm kiếm việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.