"Khoác áo mới" cho sản vật địa phương
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) triển khai thời gian qua đã mang lại những tín hiệu tích cực. Qua đó, nông sản địa phương được “khoác” lên mình “chiếc áo mới”, mở ra cơ hội chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
“Đổi đời” cho mãng cầu xiêm
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng bà Đỗ Thị Thơm (hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ ADV (TP. Buôn Ma Thuột) theo chồng về Đắk Lắk.
Sau 13 năm làm dâu nơi xứ lạ, từng chứng kiến trái mãng cầu xiêm thường xuyên bị thương lái chèn ép giá; có những mùa mãng cầu xiêm rớt giá thê thảm, khiến nông dân phải chặt bỏ để trồng loại cây khác... bà Thơm quyết định tìm hiểu, nghiên cứu làm trà mãng cầu xiêm để nâng cao giá trị cho loại sản vật này.
Qua nghiên cứu, bà nhận thấy trái mãng cầu xiêm có tính mát, rất bổ dưỡng và giúp thanh nhiệt cơ thể tốt. Đồng thời, chiết xuất mãng cầu có nhiều hợp chất chống ôxy hóa như tannin, saponin, flavonoid, anthraquinon hay phytosterol… mang lại tác dụng tốt cho sức khỏe. Năm 2019, bà bắt tay vào nghiên cứu và chế biến thành công sản phẩm trà mãng cầu xiêm.
Được làm từ 100% mãng cầu xiêm, không phẩm màu, hóa chất và sản xuất theo công nghệ khép kín, không sử dụng chất bảo quản nên sản phẩm trà sau khi làm ra vẫn giữ được hương vị, hàm lượng chất dinh dưỡng. Nhờ vậy, ngay từ khi ra mắt, sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.
Khách hàng tìm hiểu sản phẩm “Trà mãng cầu xiêm Sóc Con” tại Chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chủ lực, OCOP của tỉnh Đắk Lắk lần thứ II năm 2023. |
Từ đó, bà chú trọng vào khâu thiết kế bao bì, thiết lập website riêng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm với tên gọi “Trà mãng cầu xiêm Sóc Con”. Tháng 9/2023, bà mang sản phẩm đi phân hạng OCOP và được đánh giá 3 sao cấp thành phố. Sau khi đạt chuẩn OCOP, “Trà mãng cầu xiêm Sóc Con” được trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nên đã tiếp cận được nhiều khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp mua với số lượng lớn. Hiện tại, sản phẩm đã được phân phối tại nhiều địa phương miền Tây Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và đưa lên kệ của 20 cửa hàng tại Đắk Lắk.
Bà Thơm cho hay, mỗi năm bà xuất bán khoảng 36 tấn trà thành phẩm, thu mua trên 216 tấn mãng cầu tươi cho nông dân, giúp họ có đầu ra ổn định.
“Thay áo” cho “nữ hoàng quả khô”
Những năm về trước, thay vì tập trung chủ yếu vào các loại cây chủ lực lâu năm như cà phê, cao su thì người dân huyện Ea H’leo đã tận dụng diện tích để trồng xen canh một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhất là cây mắc ca. Tuy có tiềm năng phát triển, nhưng mắc ca là loại cây trồng mới, nên người dân gặp không ít khó khăn ban đầu. Bước ngoặt của “nữ hoàng quả khô” là khi những người trồng mắc ca trên địa bàn huyện đồng lòng thành lập Hợp tác xã Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Macca Ea H’leo (gọi tắt là HTX) để từng bước xây dựng thương hiệu cho loại cây này.
Sản phẩm “Macca Ea H’leo” của HTX được chọn lựa kỹ từ quả già, chín, đến từ nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng của các nông hộ tại xã Ea Hiao. Bởi vậy, sau khi ra mắt thị trường, HTX không phải lo lắng về chất lượng mà đã tập trung hoàn thiện thiết kế bao bì để thu hút người tiêu dùng. Theo đó, hạt mắc ca sau khi sơ chế được hút chân không theo đúng quy trình và đóng gói vào hộp giấy có in đầy đủ thông tin về sản phẩm, mã QR truy xuất nguồn gốc, tem chống hàng giả...
Sản phẩm Macca Ea H’leo với thiết kế bao bì đẹp mắt thu hút khách hàng. |
Giám đốc HTX Nguyễn Trọng Huê chia sẻ, việc đầu tư cho sản phẩm về nhãn hiệu, bao bì cũng chính là yếu tố quan trọng để người sản xuất tự bảo vệ sản phẩm của mình trên thương trường. Nhờ vậy, cuối năm 2022, sản phẩm mắc ca của HTX đã thuận lợi đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh và được tham gia Hội chợ triển lãm các nước Tiểu vùng sông Mê Kông tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào). Đây có thể xem là “bước ngoặt” tiếp theo của “nữ hoàng quả khô” Ea H’leo trong mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, HTX đã nhận được số lượng lớn đơn đặt hàng từ nhiều tỉnh thành trên cả nước; giá thành sản phẩm bán ra tăng thêm 10.000 đồng/kg so với trước kia. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, HTX xuất bán khoảng 20 tấn để phục vụ nhu cầu của thị trường.
Chương trình OCOP là một trong sáu chuyên đề về xây dựng nông thôn mới được tỉnh Đắk Lắk triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận 148 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao; trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 19 sản phẩm 4 sao và 128 sản phẩm 3 sao. |
Khánh Huyền - Thúy Nga
Ý kiến bạn đọc