Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong khu công nghiệp

08:32, 01/02/2024

Thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban Quản lý) thực hiện đồng bộ và hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Năm 2023, Ban Quản lý đã nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm để thực hiện công tác xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú, có trọng tâm và trọng điểm. Cụ thể, Ban Quản lý đã tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư tại các địa phương; đón tiếp, hướng dẫn chu đáo các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư trong khu công nghiệp (KCN). Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Trong năm 2023, Ban Quản lý đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án, với tổng vốn đăng ký 1.151 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.044 tỷ đồng (tương đương khoảng 44,3 triệu USD). Đến nay, tổng số dự án đăng ký đầu tư trong KCN Hòa Phú là 61 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 5.973 tỷ đồng; trong đó có 4 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.682 tỷ đồng. Tại KCN này, có 44 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 2.400 lao động. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 6.618 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 60,3 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước khoảng 33,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thu hút đầu tư vào KCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức do hệ thống giao thông không thuận lợi. Bên cạnh đó, quỹ đất tại KCN Hòa Phú cơ bản đã hết, nhiều nhà đầu tư đến đăng ký đầu tư nhưng không thể đáp ứng nhu cầu về diện tích đất; công tác đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong KCN và hạ tầng xã hội cạnh KCN chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư.

Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà đầu tư tại Hội nghị ký kết hợp tác đầu tư với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9.

Định hướng phát triển các KCN tỉnh Đắk Lắk là theo hướng xanh, bền vững, khai thác các lợi thế phát triển theo chiều sâu, liên kết mở, hội nhập khu vực và quốc tế. Trong năm 2024, Ban Quản lý sẽ tập trung bám sát Nghị quyết 18-NQ/TU, ngày 6/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Theo đó, Ban Quản lý sẽ tập trung thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, tập trung kêu gọi các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư có vốn FDI có động lực lan tỏa cao, dự án chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, dự án đổi mới công nghệ, thân thiện môi trường, thu hút nhiều lao động về đầu tư tại các KCN. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức về tinh thần phục vụ và nâng cao trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, chú trọng nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu tìm hiểu cơ hội đầu tư, luật pháp, chính sách, đến giải quyết khó khăn cụ thể. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.

Để có thêm quỹ đất công nghiệp mời gọi và chào đón nhà đầu tư lớn trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Ban Quản lý đã và đang phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh rà soát, tham mưu những nội dung liên quan đến việc đền bù, xây dựng kết cấu hạ tầng phần diện tích 15,23 ha còn lại của KCN Hòa Phú, dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Phú Xuân và phần mở rộng KCN Hòa Phú (150 ha).

Minh Kiệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.