“Rừng - biển” sẽ không còn xa
Được khởi công từ tháng 6/2023, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (gọi tắt là Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) đang dần hiện thức hóa “giấc mơ” kéo gần khoảng cách giữa “rừng” và “biển”.
Không chỉ chính quyền mà người dân và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang kỳ vọng khi đường cao tốc hoàn thành sẽ mang lại không gian phát triển mới và mở ra tương lai tươi sáng hơn.
Hình thành trục kết nối vùng
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được chia làm 3 dự án thành phần, với tổng chiều dài 117,5 km, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, đi qua hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Trong đó, Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản, Dự án thành phần 2 do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông vận tải) làm cơ quan chủ quản và Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh (Ban A) làm chủ đầu tư. Trong đó, tổng chiều dài Dự án thành phần 3 khoảng 48 km, đi qua ba huyện của tỉnh Đắk Lắk gồm: Cư Kuin, Krông Pắc và Ea Kar, với diện tích sử dụng đất khoảng 393,6 ha.
Công trình được thiết kế với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh là 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 1/9/2021. Giai đoạn phân kỳ thiết kế 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện. Đây được coi là tuyến đường nối “rừng” với “biển”, được kỳ vọng hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ và kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả những dự án đã và đang đầu tư. Đồng thời, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là cơ hội lớn và là đòn bẩy để các DN của cả khu vực Tây Nguyên kết nối, vươn xa đến các thị trường lớn.
Nhà thầu tiến hành thi công nền đường Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột thành phần 3 (đoạn qua huyện Ea Kar). |
Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc phụ trách Ban A cho biết, ngay sau khi khởi công cao tốc, chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị, địa phương nhanh chóng triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch và các điều kiện cần thiết cho đơn vị thi công đúng thời gian quy định; đồng thời, bảo đảm tiến độ giải ngân số vốn được phân bổ cho dự án. Đơn vị cũng đã khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu đối với 15/15 gói thầu của Dự án thành phần 3 thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt. Tại một số gói thầu, nhà thầu thi công cũng đã tập kết máy móc, thiết bị đến công trường để triển khai thi công nhiều hạng mục như nền đường, đường công vụ, cầu dân sinh...
Mong chờ ở cao tốc…
Là một trong ba địa phương của tỉnh có Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua, huyện Cư Kuin đã bàn giao 100% diện tích đất giải phóng mặt bằng nhờ sự đồng tình, ủng hộ của người dân, với ước vọng cao tốc sớm hoàn thành. Đơn cử, đất ở của gia đình bà Hà Thị Hào (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) có đường cao tốc đi qua, nhưng khi nhận được thông báo, bà đã sẵn sàng phá cà phê, di chuyển đi nơi ở khác để máy múc vào san ủi khi chưa được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Bà Hà bộc bạch: “Tôi chấp nhận chịu ảnh hưởng trước mắt để cho người dân, con cháu được hưởng lợi lâu dài. Bởi tôi tin rằng khi đường cao tốc mở ra, từ đi lại đến sản xuất, buôn bán, phát triển kinh tế sẽ thuận tiện, phát triển hơn nhiều”.
Sau khi hoàn thành, Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Từ đó, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
|
Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc còn giúp rút ngắn khoảng cách và xóa đi nhiều khó khăn của DN.
Ông Lê Anh Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư - Phát triển Vạn Hòa Đắk Lắk chia sẻ, hiện tại công ty đang hoạt động ở lĩnh vực xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, với mặt hàng chủ yếu là sầu riêng.
Trong khi đó, Quốc lộ 26 - tuyến vận chuyển sầu riêng chính còn chật hẹp, mỗi khi vào mùa vụ dễ bị ùn tắc, cản trở giao thương.
Đồng thời, cơ sở hạ tầng bến bãi đậu xe, kho xưởng… chưa được quy hoạch đầy đủ khiến các DN thường chậm hoặc không đáp ứng được ngay yêu cầu đơn hàng xuất khẩu khiến họ chịu tổn thất về chi phí bồi thường hợp đồng.
Bởi vậy, DN rất kỳ vọng đường cao tốc sớm hoàn thành để rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, tiết kiệm được chi phí đầu tư và có cơ hội mở rộng thị trường kinh doanh của mình.
Máy móc san ủi giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột thành phần 3 tại xã Ea Ning (huyện Cư Kuin). |
Ông Lê Phú Hanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin cho biết, “giấc mơ” cao tốc hình thành để kết nối giao thông thuận lợi giữa các vùng miền, thúc đẩy kinh tế phát triển đang dần thành hiện thực. Cao tốc hình thành không chỉ giúp việc đi lại tiết kiệm thời gian, tiền bạc cũng như mở ra cơ hội về thu hút đầu tư với huyện Cư Kuin và các địa phương khác mà còn thúc đẩy phát triển du lịch. Trong tương lai gần, cao tốc cùng với đường tránh Đông Buôn Ma Thuột hoàn thành hứa hẹn sẽ tạo ra mạng lưới giao thông kết nối tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Bởi vậy, hiện nay địa phương đang lập quy hoạch các khu kho hàng, bến bãi, khu dân cư để thuận lợi cho việc đầu tư, phát triển hàng hóa, kết nối giao thương.
Khả Lê - Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc