Thúc đẩy liên kết vùng để Tây Nguyên phát triển
Chưa bao giờ vấn đề liên kết vùng để giúp Tây Nguyên phát triển, hội nhập trên tất cả các lĩnh vực được quan tâm như hiện nay, nhất là từ khi Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành.
Theo đánh giá của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên thì vùng này đã có bước chuyển biến tích cực hơn trong việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả khu vực; tính chất liên kết vùng ngày càng được thúc đẩy thông qua nhiều công trình hạ tầng được xây dựng, kết nối ngày càng hoàn thiện, góp phần tạo động lực phát triển mạnh mẽ trên toàn vùng.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW cũng đã được định hướng: Nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng trong sản xuất nông - lâm nghiệp; hình thành nên các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối; xây dựng, nâng cao thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế; khôi phục và chú trọng phát triển kinh tế rừng, nguồn năng lượng tái tạo; định vị các tuyến du lịch chuyên đề, mang tính đặc thù vùng Tây Nguyên.
Theo đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; ổn định dân cư, nhất là đối tượng di dân tự do; ưu tiên công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc của các cộng đồng dân tộc tại chỗ. Đặc biệt là việc nâng cấp các tuyến giao thông kết nối Tây Nguyên với các tỉnh thành khu vực Nam Trung Bộ cũng như với vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Quốc lộ 14 - đoạn đường tránh thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Hoàng Gia |
Có thể xem những định hướng trên là các điều kiện quan trọng giúp Tây Nguyên phát triển và hội nhập sâu rộng hơn, bởi đây là một trong ba vùng chiến lược về an ninh trật tự, là một trong sáu vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Vì thế, theo đánh giá của Trung ương: Chú trọng và ưu tiên phát triển vùng Tây Nguyên nhanh, bền vững, hài hòa có vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, ổn định xã hội của đất nước. Đến nay, mục tiêu ấy đang được các bộ, ngành Trung ương và chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên nỗ lực hiện thực hóa bằng nhiều giải pháp đồng bộ và quyết tâm chính trị cao. Điều đó thể hiện rõ qua hai Hội nghị điều phối vùng được tổ chức tại TP. Đà Lạt - Lâm Đồng (ngày 20/9) và TP. Pleiku - Gia Lai (ngày 30/11/2023).
Tại những diễn đàn này, Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lắng nghe lãnh đạo các tỉnh trên địa bàn đề đạt và kiến nghị giải pháp tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung của khu vực trọng yếu này; đồng thời đưa ra các giải pháp thúc đẩy liên kết gữa vùng Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nhất là đối với các tỉnh, thành phố vùng duyên hải miền Trung và Nam Trung Bộ.
Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên có tiếng nói chung, có vai trò kiến tạo và thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị. Trung ương sẽ có cơ chế riêng, đặc thù cho vùng này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn còn tồn tại, nhất là vấn đề liên kết vùng để giúp Tây Nguyên phát triển”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang
|
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên cho rằng: Quy hoạch vùng hướng tới mục tiêu kết nối đồng bộ từ hạ tầng số, đến hạ tầng giao thông nhằm tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy Tây Nguyên phát triển nhanh, hài hòa và bền vững. Trong đó tăng cường liên kết vùng bằng các dự án giao thông là một nhu cầu cấp thiết đối với các tỉnh trong khu vực. Hiện nay, về giao thông đường bộ, Tây Nguyên có hệ thống đường giao thông liên vùng ở mức tương đối so với các vùng miền khác trên cả nước, với hơn 3.000 km quốc lộ nối liền các tỉnh thành vùng duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ thông qua các quốc lộ (14, 14C, 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 28B, 29 và đường Trường Sơn Đông). Những tuyến quốc lộ này được Bộ Giao thông vận tải đưa vào quy hoạch theo hướng tích hợp, bảo đảm tính liên kết đồng bộ, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải dựa trên điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng.
Quốc lộ 14, một trong những tuyến đường huyết mạch, liên kết vùng Tây Nguyên với các tỉnh thành duyên hải miền Trung. |
Hơn thế, qua những lần Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên kể trên, và trước đó là Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên (diễn ra vào ngày 1/7/2023 tại TP. Buôn Ma Thuột), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể chung của cả nước, trong đó liên kết vùng phải được đột phá từ những dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là các dự án cao tốc đã và đang được quy hoạch, triển khai thực hiện từ nay cho đến năm 2045. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch đến năm 2030, khu vực Tây Nguyên sẽ phải đầu tư 8 tuyến cao tốc, với chiều dài 830 km. Phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành 4 tuyến cao tốc, gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Các dự án cao tốc này được kỳ vọng như động lực mới để Tây Nguyên phát triển bứt phá trong tương lai.
Rõ ràng, việc kết nối giao thông để tạo liên kết vùng giúp Tây Nguyên mở ra cánh cửa rộng lớn hơn để vừa phát huy nguồn lực nội tại, vừa thu hút đầu tư từ bên ngoài là bước đi, tầm nhìn chiến lược đang được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, nỗ lực thực hiện như một “mệnh lệnh” lịch sử trước thời cơ và vận hội mới đặt ra nhằm biến mảnh đất giàu tiềm năng này trở thành một trong sáu vùng trọng điểm kinh tế của cả nước.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc