Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Cần khai thác lợi thế đô thị nông nghiệp

08:26, 20/02/2024

Mỗi đô thị luôn có một lợi thế phát triển. Lợi thế ấy gắn với nội lực bền vững của địa phương, càng khai thác đúng càng tạo thêm giá trị. Từ góc nhìn này, TP. Buôn Ma Thuột với cơ chế đặc thù đang có, cần vận dụng khai thác lợi thế đô thị nông nghiệp để vững vàng tăng tốc.

Điều hẳn nhiên, không chỉ riêng Buôn Ma Thuột, mà các đô thị Tây Nguyên, cả vùng đất đỏ bazan này, lợi thế nông nghiệp là rõ ràng. Chỉ có sự khác biệt trong chiến lược đầu tư, vận dụng của các tỉnh thành, sẽ tạo ra thế mạnh phát triển cho lợi thế đó. TP. Buôn Ma Thuột, với vị trí đặc biệt, địa lý tự nhiên thuận lợi về hướng đầu tư canh tác nông nghiệp chất lượng cao, diện tích chuyên canh lớn, đủ điều kiện xác định một đô thị nông nghiệp bền vững.

Định hình chuỗi giá trị

Theo các chuyên gia tư vấn, nói đến sản xuất nông nghiệp bền vững, xã hội phải nghĩ đến việc định hình được những chuỗi giá trị cho đầu tư hoạt động. Điển hình của tư duy này là những nhà hoạt động nông nghiệp tại châu Âu từ lâu đã đưa ra nhiều giải pháp, tầm nhìn về những giá trị bền vững là hạt nhân của sản xuất nông nghiệp. Đó là việc sản xuất của người nông dân phải gắn chặt với nghiên cứu khoa học, các ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, để ngày càng củng cố và nâng cao giá trị hàng hóa nông sản làm ra.

Nông dân TP.Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê niên vụ 2023. Ảnh: Hoàng Gia

Trong định nghĩa chuỗi giá trị nông nghiệp của các nước châu Âu, nông sản có chất lượng cao phải được canh tác đúng quy trình mới bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu con người. Đó là chọn giống cây trồng có chất lượng, được nghiên cứu cải thiện từ gen, tế bào, chuẩn giống; đưa vào quy trình canh tác, chăm bón đúng yêu cầu kỹ thuật; sau đó được thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và phân phối theo quy trình đảm bảo giữ nguyên chất lượng; cuối cùng được chế biến thành món ăn, đảm bảo còn giữ được các chất dinh dưỡng…

Nhìn liền mạch sản xuất – phân phối – tiêu dùng như vậy, những địa phương có điều kiện phát triển ổn định nông nghiệp như vùng Tây Nguyên, ở tại Đắk Lắk, và riêng tại Buôn Ma Thuột rõ ràng rất phù hợp để định hình những chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp chất lượng. Đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương cho thấy, TP. Buôn Ma Thuột giữ tỷ lệ khá cao về chuỗi cung cấp nông sản và hàng hóa nông nghiệp của tỉnh, nhất là từ góc độ điều tiết phân phối. Thành phố từ lâu là điểm đấu nối, liên kết phân phối hàng hóa nông sản đi các nơi. Vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên, điểm tựu trung hàng hóa nông sản khu vực của Buôn Ma Thuột, xét về cả tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu, càng ngày càng được khẳng định.

Cần những hệ sinh thái thị dân

Trên nền tảng điểm đấu nối tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị có tính liên kết, TP. Buôn Ma Thuột rất có điều kiện để xây dựng những hệ sinh thái thị dân. Đây là một khái niệm không mới nhưng không được nhiều người quan tâm. Đặc điểm vùng đô thị Buôn Ma Thuột là có tốc độ đô thị hóa linh hoạt, nhanh chóng, đảm bảo đời sống thị dân ngày một nâng cao, hiện đại hóa nhưng luôn gắn bó, đồng hành với đời sống nông dân khu vực chung quanh. Quan hệ tương tác giữa các khu dân cư, buôn làng về sản xuất nông nghiệp với các đầu mối thương nghiệp, xuất khẩu, giao dịch ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột đã định hình hàng chục năm. Do đó, việc định vị những hệ sinh thái tiêu thụ, luân chuyển hàng hóa từ thị dân là rất thuận lợi.

Hệ thống nhà xưởng chế biến trái cây của doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thông

Những hệ sinh thái này dễ hình dung từ quan hệ hàng hóa tiêu dùng, khi người nông dân vùng phụ cận tập trung sản xuất nông sản chuyên canh, chất lượng và đưa về TP. Buôn Ma Thuột để giới thiệu, mở đầu mối bán hàng phân phối. Thị dân Buôn Ma Thuột qua các đơn hàng tiêu thụ, xuất khẩu, sẽ đặt yêu cầu với nông dân sản xuất về các tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp thị trường. Cứ như vậy, qua tương tác tiêu thụ hàng hóa sẽ biến đô thị Buôn Ma Thuột thực sự đúng nghĩa đầu mối tiêu thụ nông sản chất lượng và xây dựng tốt các chuỗi giá trị nông nghiệp.

Trong quy hoạch phát triển thành phố, Buôn Ma Thuột đã xác định lợi thế đô thị nông nghiệp là cần giữ vững và phát huy. Làm sao để các giá trị nông sản qua tầm vóc đô thị này được nâng cao hơn, là yêu cầu tất yếu để địa phương xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Việc hình thành những khu đô thị mới là bước đầu tư quan trọng định vị các khu vực tập trung thị dân có đời sống chất lượng, trở thành đầu mối các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Từ các đô thị hoàn thiện hạ tầng, có những khu vực phát triển thương mại hiệu quả, giá trị hàng hóa nông sản Đắk Lắk và Tây Nguyên càng được củng cố, giúp đời sống sinh kế, công ăn việc làm của thị dân ngày một tốt hơn. Quan hệ hợp tác giữa đô thị Buôn Ma Thuột với các vùng sản xuất chuyên canh ngày một tích cực, càng giúp địa phương khai thác tốt lợi thế đô thị nông nghiệp, khẳng định rõ ràng hơn những ưu thế của một thành phố trung tâm cao nguyên.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.