Multimedia Đọc Báo in

Trên “dòng sông ánh sáng”

09:31, 13/02/2024

Sêrêpốk - dòng sông huyền thoại đã bao đời nay chảy qua ký ức vạn người. Con sông là một dòng sử thi, là bản trường ca không dứt, nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Trên dòng sông huyền thoại này cũng đã ghi dấu biết bao khát vọng, công sức lao động của con người.

Sông Sêrêpốk là kết tụ của trầm tích ngàn năm với những câu chuyện huyền bí, cất giấu bao nhiêu giá trị. Con sông này hào phóng ban phát vô vàn sản vật, nuôi sống bao thế hệ, chở che, tắm mát các buôn làng. Dòng sông cũng vun đắp làm màu mỡ nền văn hóa.

Sông Sêrêpốk được hợp lưu bởi hai dòng Krông Nô (sông cha) và Krông Ana (sông mẹ). Từ hai hướng khác nhau, tạo hóa đã đưa hai nhánh sông này gặp nhau tại ngã ba Buôn Trấp tạo nên dòng Sêrêpốk hùng vĩ, thơ mộng. Cái sự lạ của dòng sông này là do bắt nguồn từ phía Tây của dãy Trường Sơn nên sông Sêrêpốk không thể vượt qua được để đổ về biển Đông như quy luật tự nhiên của hầu hết các dòng sông ở Việt Nam mà phải chảy ngược sang Campuchia trước khi hợp vào dòng Mê Kông, xuôi về miền Tây Nam Bộ nước ta rồi mới ra biển. Do đó, người ta gọi đây là “dòng sông chảy ngược”.

Sông Sêrêpốk - “dòng sông chảy ngược” nhìn từ trên cao. Ảnh: HTV

Xưa nay, tâm tính của dòng Sêrêpốk đổi thay theo hai mùa mưa nắng. Mùa khô, sông ngoan ngoãn, hiền hòa như chú voi con; sang mùa mưa, con sông trở nên hung hãn như voi mẹ bị thương. Đời sông cũng lắm truân chuyên, gắn với truyền thuyết về một mối tình đầy lãng mạn. Chuyện kể rằng: thuở xa xưa, Krông Nô và Krông Ana chỉ là một dòng. Ngày ấy, có một chàng trai vạm vỡ của buôn Kuốp đem lòng yêu một người con gái đẹp ở bên kia sông. Tình yêu đôi lứa ngày một lớn lên cho đến khi bị dòng họ đôi bên phát hiện. Hai dòng họ này vốn đã có hiềm khích với nhau từ hàng trăm năm trước nên không chấp nhận cho hai người trẻ yêu nhau và tìm mọi cách ngăn cản, chia cắt tình yêu đôi lứa. Nhưng vì quá yêu nhau nên cả hai tìm cách vượt qua sự ngăn cấm của dòng họ để mãi mãi bên nhau. Trong một đêm trăng thanh gió mát bên dòng Sêrêpốk, đôi uyên ương đã cùng nhau nhảy xuống sông tự vẫn. Sau khi họ chết đi, mây đen bỗng nhiên từ đâu kéo đến, bầu trời đen ngòm, mặt đất nghiêng ngả, dòng sông cuồn cuộn, nước chảy ầm ầm. Đến sáng mai, khi mọi người thức dậy thì dòng sông đã rẽ thành hai dòng từ lúc nào…

Xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) là điểm cuối cùng của sông Sêrêpốk trên đất Việt Nam. Bây giờ đang là mùa khô, nhiều đoạn sông qua địa bàn này cạn nước, lộ lên từng tảng đá lớn, hai bên bờ cây cối đang thay lá. Chiều bên bến nước của buôn Trí A, già Y Khuôn Niê lặng lẽ ngồi hóng mát, ánh mắt khắc khoải hướng về dòng sông như luyến tiếc điều gì đó. Già đã trải qua hơn 70 mùa rẫy bên dòng sông này. Dòng sông trở nên thân thiết, chứng kiến bao vui buồn của bà con buôn làng. Nay thì sông vẫn vậy, mát lành và bao dung, nhưng trầm mặc hơn và chất chứa bao nỗi niềm sau những biến cố của thời cuộc. Già Y Khuôn hoài niệm, trước đây, rừng Yok Đôn xanh ngút ngàn, sông Sêrêpốk quanh năm đầy nước, cá nhiều vô kể, nào cá lăng, sọc dưa, anh vũ, mõm trâu… đủ cả, có con to bằng người lớn, bà con trong buôn cứ xuống sông là có cá. Ngày nay, lượng cá ít dần, nên cũng không còn nhiều người xuống sông mưu sinh.

Màu xanh trù phú bên dòng Krông Na, phụ lưu của sông Sêrêpốk. Ảnh: Nguyễn Đức

Dường như trong tiếng đồng vọng xưa và nay, dòng Sêrêpốk vẫn luôn mang trong mình những điều hoang dại và đầy hư ảo. Với người dân Buôn Đôn, dòng Sêrêpốk cũng là dải lụa xanh mướt kết nối, giao thoa với người Lào, M’nông. Đây từng là một trong những điểm giao thương quan trọng của ba nước Đông Dương ngày xưa trên tuyến đường sông. Người Lào khi ấy, trong lúc theo dòng sông buôn bán, bắt gặp mảnh đất này đã bị quyến rũ và ở lại cùng người Êđê bản địa xây dựng lên nên một ngôi làng trù phú đầy bản sắc. Buôn Đôn còn có tên gọi theo tiếng Lào là Bản Đôn (nghĩa là Làng Đảo - ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của sông). Cũng từ đây hình thành nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng đã đi vào huyền thoại. Sự quần tụ, chung sống đoàn kết của người dân các dân tộc đã tạo nên vùng đất độc đáo, đa sắc màu văn hóa và tràn đầy sức sống bên dòng sông.

Theo khảo sát của các nhà thủy văn, lòng sông Sêrêpốk rộng 100 - 150 m, độ dốc trung bình 2,5%. Dòng sông kỳ vĩ này có tổng lượng dòng chảy năm đạt 9 tỷ m3 nước. Ngoài nguồn lợi thủy sản, dòng sông cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho cư dân đôi bờ. Con người với khát vọng trị thủy cũng đã biến nguồn thủy năng trên sông thành dòng điện quốc gia. Cũng bởi thế, người ta gọi Sêrêpốk bằng cái tên mỹ miều: “dòng sông ánh sáng”.

Ngược dòng lịch sử trở lại những ngày đầu sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tỉnh Đắk Lắk bước vào tái thiết kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh. Lúc này toàn tỉnh chỉ có một vài trạm phát điện nhỏ phục vụ khu vực trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. Để phát triển kinh tế và phục vụ dân sinh, Trung ương đã thiết kế cho tỉnh công trình Thủy điện Dray H’linh nằm trên sông Sêrêpốk (đoạn xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột ngày nay). Công trình được khởi công đúng ngày 30/4/1984, do những người lính của Sư đoàn 470 thi công. Đoạn sông này có địa hình hiểm trở, có nhiều thác ghềnh, bãi đá lớn. Trong khi đó, phương tiện thi công rất lạc hậu, hầu như mọi việc chủ yếu phải làm thủ công. Sau sáu năm ròng rã với bao gian khổ, hiểm nguy, đầu năm 1990, cả 3 tổ máy Thủy điện Dray H’linh với tổng công suất 12 MW được hoàn thành đưa vào phát điện. Để có được công trình lịch sử này, 13 quân nhân đã mãi mãi nằm lại nơi đây. Chinh phục dòng sông dữ để đắp đập, ngăn sông phát điện khi đó là một kỳ tích. Đây là công trình lịch sử của ngành điện, thắp sáng cho buôn làng và tạo tiền đề cho phát triển ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh. Việc xây dựng thành công Thủy điện Dray H’linh là thành quả của khát vọng chinh phục thiên nhiên vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Năm 1999, nhà máy được thực hiện công tác đại tu, các thiết bị cũ được thay thế bởi thiết bị mới theo công nghệ châu Âu.

Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp có công suất lớn nhất trên sông Sêrêpốk.

Từ Dray H’linh, hàng loạt công trình thủy điện đã hình thành trên “dòng sông ánh sáng”. Nhằm tối ưu hóa quá trình vận hành, khai thác phù hợp, tránh lãng phí nguồn nước của lưu vực sông, người ta bố trí các dự án thủy điện theo thứ tự bậc thang. Bên cạnh đó, việc lựa chọn vị trí để xây dựng các nhà máy thủy điện phụ thuộc rất lớn vào điều kiện địa hình, địa chất, khí tượng thủy văn để đảm bảo yêu cầu về mặt kinh tế - kỹ thuật, đồng thời, phải đạt các tiêu chí về môi trường, xã hội, dân cư và đất đai. Cân nhắc kỹ lưỡng thiệt hơn trong việc làm thủy điện, nhưng cũng đã có nhiều điều tiếng trong lĩnh vực này, nhất là xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Vấn đề này đã xảy ra khi doanh nghiệp bắt đầu xây dựng Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A (năm 2010 đến 2014). Công trình lấy nước xả trực tiếp từ kênh xả của Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4, theo kênh dẫn dòng dài khoảng 15 km, được đào băng qua 3 xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Na của huyện Buôn Đôn. Sau khi phục vụ phát điện cho nhà máy, lượng nước này sẽ được trả về sông Sêrêpốk, cách nơi nhận nước khoảng 20 km đường sông. Lúc này, lượng nước từ Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 4A xả trực tiếp xuống sông Sêrêpốk chỉ còn lại 8,23 m3/giây, trong khi dòng chảy tự nhiên của sông là 220 m3/giây, tức chỉ bằng 1/26 so với dòng chảy tự nhiên, khiến cả một đoạn sông dài khoảng 20 km cạn nước. Sau này, lưu lượng trả về sông của công trình này được điều chỉnh tăng lên, nhưng nhiều người vẫn tiếc nuối cho đoạn sông đẹp trước đó đã không còn như xưa.

Một đời sông, vạn đời người. Ngàn năm sông vẫn vậy, thủy chung vun đắp sự sống sinh sôi, nuôi lớn khát vọng, chứng kiến những vui buồn của con người.

Câu chuyện về kế hoạch xây dựng Nhà máy Thủy điện Drăng Phốk công suất 28 MW cũng từng gây xôn xao dư luận gần 10 năm trước đây. Công trình thủy điện này dự kiến được thực hiện trên sông Sêrêpốk đoạn qua vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn. Nếu triển khai, dự án sẽ phải chuyển đổi hơn 60 ha rừng đặc dụng. Các chuyên gia, nhà khoa học đã lên tiếng phản đối vì nếu làm công trình thì khi tích nước lòng hồ sẽ tạo điều kiện cho lâm tặc xâm nhập và vận chuyển gỗ lậu bằng đường thủy. Đồng thời, việc chặn dòng Sêrêpốk sẽ phá vỡ hệ sinh thái vùng này. Cơ quan chức năng đã cho dừng triển khai dự án trong sự thở phào của dư luận.

Trên địa bàn Đắk Lắk hiện có 24 nhà máy thủy điện đang hoạt động, với tổng công suất 957 MW, trong đó, 14 công trình có hồ chứa. Riêng dọc trên lưu vực sông Sêrêpốk có 12 nhà máy thủy điện bậc thang đang hoạt động, tổng công suất 841 MW. Các thủy điện này hoạt động theo quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Sêrêpốk đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện phương châm hoạt động thủy điện đa mục tiêu, các chủ công trình đã làm việc với các địa phương dọc sông, hạ lưu nhà máy để cập nhật nhu cầu sử dụng nước nhằm khai thác các tổ máy và nguồn nước theo phương án tối ưu, vừa bảo đảm nhu cầu cấp nước hạ du, đồng thời phát điện hiệu quả; điều tiết hồ chứa, gia tăng lượng nước cấp ở một số thời điểm phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp. Đối với mùa mưa lũ, thủy điện vận hành theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên là bảo đảm an toàn công trình, góp phần giảm lũ cho hạ du và không gây biến động dòng chảy đột ngột vùng biên giới Việt Nam - Campuchia; bảo đảm hiệu quả cấp nước, phát điện và dòng chảy tối thiểu trên sông.

Khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý, bảo đảm an ninh nguồn nước sông Sêrêpốk là vấn đề rất quan trọng, không chỉ là để gìn giữ cho chúng ta mà cho cả thế hệ mai sau. Trong Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sêrêpốk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong những giải pháp được cơ quan chuyên môn đưa ra là rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa trên các sông, suối thuộc lưu vực sông Sêrêpốk để nâng cao khả năng cấp nước cho hạ du, phòng chống lũ và ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, đề xuất được các giá trị dòng chảy tối thiểu trên những dòng chính, tại các điểm kiểm soát làm cơ sở quản lý và điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nước.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc