Cần gỡ "nút thắt" cho gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng
Để góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", các ngân hàng đã cam kết với Chính phủ triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, sau gần một năm triển khai, chương trình tín dụng này vẫn chưa tiến triển như kỳ vọng.
Khó cho vay
Theo thông tin tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức mới đây, đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với 68 dự án.
Trong 68 dự án đó thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác. Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án, với số tiền cam kết khoảng 7 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 10 dự án có nhu cầu giải ngân thực tế, với tổng số tiền đã giải ngân là 646 tỷ đồng.
Riêng trên địa bàn Đắk Lắk, có hai dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, gồm: Dự án nhà ở xã hội 20% thuộc dự án Khu dân cư Hà Huy Tập, phường Tân An (thuộc Khu đô thị phía Bắc đường vành đai phía Tây, TP. Buôn Ma Thuột) do Công ty Cổ phần Đầu tư – Phát triển đô thị Ân Phú làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 212 tỷ đồng và chủ đầu tư có nhu cầu vay hơn 170 tỷ đồng và Dự án nhà ở xã hội 20% thuộc Khu đô thị dân cư Km7 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) do Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Đắk Lắk làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 630 tỷ đồng, chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn 504 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, theo thông tin từ NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận, gửi văn bản cho các chủ đầu tư và khách hàng có nhu cầu mua nhà của hai dự án trên để giới thiệu chương trình cho vay, nhưng đến nay vẫn chưa phát sinh dư nợ cho vay theo chương trình này vì chưa nhận được đề nghị vay vốn của nhà đầu tư, người mua nhà.
Dự án nhà ở xã hội 20% thuộc Khu đô thị dân cư Km7 (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong hai dự án trên địa bàn Đắk Lắk đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Vạn Tiếp |
Cần chính sách phù hợp hơn
Lâu nay, vấn đề lớn nhất, được nêu ra nhiều nhất khiến việc giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng “dậm chân tại chỗ” là không có dự án để giải ngân vốn; các địa phương không phê duyệt dự án nên ngân hàng không thể giải ngân vốn. Thế nhưng đến nay, nhu cầu thực tế có, các ngân hàng thương mại cũng đã có những động thái tích cực để triển khai, nhưng ở nhiều địa phương, trong đó có Đắk Lắk vẫn chưa phát sinh dư nợ của gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp, bên cạnh các quy định chặt chẽ, thủ tục phức tạp… đang từng bước được tháo gỡ thì vướng mắc rõ nhất vẫn đến từ tính “nửa vời” của gói tín dụng này. Đại diện một ngân hàng thương mại nhà nước trên địa bàn tỉnh khẳng định, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng là từ nguồn vốn thương mại nên cơ chế cho vay bình thường. Về bản chất, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường.
NHNN cũng đã hai lần điều chỉnh hạ lãi suất, với doanh nghiệp là 8%/năm và với người mua nhà là 7,5%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chưa thật sự hấp dẫn các chủ đầu tư và người dân, nếu không muốn nói là quá cao so với khả năng tài chính của người mua, nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay thông thường đang có chiều hướng giảm như hiện nay.
Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi của gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn. Riêng thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chỉ có thời hạn trong 3 năm. Điều này sẽ tạo áp lực tài chính đối với nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư các dự án quy mô lớn.
Một điểm đáng lưu ý nữa, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng quy định người vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được vay ưu đãi một lần để mua một căn nhà. Như vậy, nếu đã vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng thì người mua sẽ mất cơ hội vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành (hiện đang có lãi suất 4,8 - 5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm).
Có thể thấy, để gói tín dụng này phát huy hiệu quả, cần sớm có phương án giải quyết những “nút thắt” trên. Đặc biệt, cần nghiên cứu phương án hỗ trợ lãi suất mạnh mẽ hơn nữa để chia sẻ áp lực, rủi ro cho cả ngân hàng, nhà đầu tư và người mua nhà. Bởi nếu chỉ dừng lại ở hỗ trợ lãi suất (vốn đã chưa hấp dẫn) mà thiếu các chính sách rõ ràng, quyết liệt đi kèm thì doanh nghiệp và người dân không mặn mà vay, phía ngân hàng cũng không muốn cho vay.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc