Multimedia Đọc Báo in

Kiên định với cây cà phê

08:41, 12/03/2024

Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh vui mừng vì cà phê được giá. Đây là thành quả của việc canh tác ổn định, không chạy theo phong trào.

Những năm trước, giá cà phê liên tục ở mức thấp, khiến nhiều nông dân chán nản, bỏ bê vườn rẫy; không ít người phá bỏ cà phê để chuyển qua trồng sầu riêng và các cây ăn quả khác. Đến nay, ngoài sầu riêng vẫn đang có giá tốt thì chanh dây, bơ… (được trồng trên những vườn cà phê, tiêu trước đây) từng lâm vào cảnh phải “giải cứu” vì dư thừa sản lượng và nhiều diện tích đã lại bị thay thế bằng cây trồng khác.

Nông dân xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê
Nông dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch cà phê

Trong khi điệp khúc "trồng – chặt" cứ tái diễn thì nhiều nông dân vẫn trung thành với cây cà phê. Ví dụ như ông Hoàng Trọng Tiến (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) đến vùng đất này từ đầu những năm 1990 và gắn bó với cây cà phê cho đến nay.

Ông Tiến cho biết, nhiều người dân trong vùng từng bỏ cà phê để trồng bơ, chanh dây, sa chi, nhưng cũng chỉ cho thu nhập cao được vài năm rồi lại phải phá bỏ trồng loại cây mới. Gia đình ông có 2,5 ha cà phê, tuy năng suất, giá bán khi cao khi thấp, nhưng cơ bản ổn định, ít rủi ro, nên ông vẫn xác định đây là nghề chính của mình. Từ cây cà phê, ông có cơ ngơi khá giả, nuôi ba người con ăn học đàng hoàng.

Thời điểm này, giá cà phê ở Đắk Lắk dao động ở mức 90.000 - 91.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao so với nhiều năm gần đây và mang lại thu nhập cao cho nhiều nông hộ. Chứng kiến điều này, ắt hẳn nhiều nông dân sẽ phải tiếc nuối vì đã bỏ cà phê, trồng một số loại cây mới tuy có thu nhập cao, nhưng giá bấp bênh. Chưa kể, do chạy theo lợi nhuận trước mắt mà họ chấp nhận “ăn xổi” bằng việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Hậu quả của việc này là sự ảnh hưởng đến sức khỏe của chính họ và tác động xấu đến đất đai, môi trường. Quy hoạch ngành nông nghiệp cũng vì thế mà bị "loạn", khó kiểm soát và ngành nông nghiệp phát triển không bền vững.

Không thể phủ nhận, thời gian qua, nhiều nông dân trở nên khấm khá nhờ chuyển đổi từ diện tích vườn cà phê sang trồng các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, chưa có loại cây nào cho thấy sự bền vững như cà phê. Sản phẩm này có thời gian bảo quản sau thu hoạch lâu và không bị ép giá, người dân có thể giữ lại bán bất kỳ khi nào.

Ở tầm tổng thể, loại cây công nghiệp này đã bám rễ ở vùng đất Tây Nguyên cả trăm năm nay và đây là "thủ phủ" cà phê của cả nước, đồng thời là một phần quan trọng trong ngành hàng cà phê của thế giới. Các chuyên gia, nhà khoa học đã nhiều lần khẳng định, dù thế nào đi nữa thì khó có loại cây nào thay thế được cà phê ở vùng đất này. Tỉnh Đắk Lắk cũng xác định đây là cây trồng chủ lực, thế mạnh và nhất quán phát triển ngành hàng này theo hướng bền vững, nâng cao giá trị.

Cà phê được quy hoạch, định hướng dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, xây dựng liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng. Địa phương cũng ưu tiên kêu gọi các dự án chế biến sâu cà phê. Thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã có sức ảnh hưởng trên thế giới, gần đây, cà phê đặc sản cũng được đánh giá hàng đầu. Điều này cho thấy, cà phê không chỉ là niềm tự hào mà còn là tài sản rất lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, thương hiệu của người dân, của tỉnh Đắk Lắk.

Người nông dân là chủ thể đầu tiên, quan trọng nhất làm nên giá trị cà phê. Cà phê đã tạo sinh kế cho hàng vạn gia đình. Làm nông đương nhiên là vất vả, nhưng người trồng cà phê không phải quanh năm suốt tháng tất bật, lao lực và đánh đổi sức khỏe, môi trường sống của mình và gia đình. Đó chính là cái "sướng" của nông dân làm cà phê, là lợi ích khó đo đếm mà cây cà phê mang lại cho người trồng. Hiện nay, phải khẳng định rằng, xét về tính phát triển bền vững thì nông dân ở Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung không nên "quay lưng" với cây cà phê. Tuy nhiên, với thị trường ngày càng "khó tính" thì người trồng cà phê cần canh tác theo hướng bền vững, cà phê đặc sản.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.