Nguồn cung nông sản dồi dào sau Tết
Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt tay cho vụ mùa mới.
Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, gia đình ông Trần Bá Đề (thôn 1, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) đã xuất bán một đàn heo khoảng 40 con, với giá 54.000 đồng/kg. Không để chuồng trại bị bỏ không, ngay sau Tết, gia đình ông đã tiến hành vệ sinh hệ thống chuồng trại, phun thuốc sát trùng, rải vôi bột để khử khuẩn và mua thêm 2 con heo nái, 15 con heo thịt về nuôi. Hiện tại gia đình ông đang nuôi 6 con heo nái và 60 con heo thịt.
“Gia đình tôi luôn phân chuồng trại thành nhiều lứa heo để xuất bán ở các thời điểm khác nhau. Nhờ vậy lúc nào cũng có nguồn heo thịt cung cấp ra thị trường với số lượng lớn và ổn định”, ông Đề chia sẻ.
Ông Trần Bá Đề (thôn 1, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) chăm sóc đàn heo của gia đình. |
Là một trong những hộ chăn nuôi gà quy mô trên địa bàn, gia đình chị Lê Thị Anh (thôn 9, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) chăn nuôi gà theo hình thức gối vụ, trong chuồng luôn có gà để xuất bán nên nguồn hàng lúc nào cũng dồi dào. Dịp trước và trong Tết, chị đã xuất bán hơn 600 con gà thịt. Hiện trong trại của gia đình chị còn khoảng 400 con gà, trọng lượng mỗi con từ 2,5 - 3,7 kg, sắp tới sẽ nuôi lứa gà mới với hơn 500 con.
Chị Anh cho hay, hiện tại thị trường tiêu thụ đang chững lại do người dân vừa ăn Tết xong. Tuy nhiên, một thời gian nữa, nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng trở lại nên không đáng lo ngại. Hiện nay, thịt gà ta thả vườn có giá từ 85.000 - 110.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với dịp Tết.
Trong khi đó, bà con nông dân trồng các loại rau màu, củ quả cũng đã chủ động gieo trồng để đáp ứng thị trường sau Tết. Gia đình bà Ngọc Thị Chính (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) có hơn 1 sào đất trồng rau.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề trồng rau, những năm gần đây, bà Chính đã đa dạng hóa nhiều loại rau, trồng ở nhiều thời điểm khác nhau để tránh thu hoạch chồng chéo.
“Vừa ăn Tết xong, tôi đã cải tạo lại đất để xuống giống ngay nhiều loại rau ăn lá như: rau cải, rau muống, bắp cải, rau mồng tơi, hành, ngò… Mỗi loại sẽ trồng vào một thời điểm khác nhau để không bị áp lực về thời gian thu hoạch mà vẫn đảm bảo luôn có rau để bán”, bà Chính bộc bạch.
Gia đình chị Lê Thị Thanh Hà (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) thu hoạch khoai tây trắng sau Tết. |
Theo chị Lê Thị Thanh Hà (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng), từ trước Tết, gia đình chị đã trồng 2 ha khoai tây trắng theo một dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm, đến nay đã cho thu hoạch. Vụ mùa khoai tây năm nay của gia đình chị đạt năng suất bình quân trên 30 tấn/ha, được đơn vị liên kết thu mua với với giá khoảng 8.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lãi khoảng vài chục triệu đồng.
Chị Hà cho hay: “Sau khoảng 90 ngày trồng, chăm sóc, nhờ có nguồn cây giống bảo đảm, thời tiết thuận lợi nên cây khoai tây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế tối đa sâu bệnh và cho năng suất cao. Do được đơn vị bao tiêu cam kết đảm bảo đầu ra nên việc sản xuất, tiêu thụ khoai tây của gia đình tôi diễn ra rất thuận lợi”.
Với sự chủ động của nông dân, nguồn cung nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được bảo đảm ổn định. Hiện nay, tại các chợ và trung tâm thương mại, mặt hàng thịt, cá, rau, củ… rất dồi dào, đa dạng, với giá cả phù hợp..
Ngọc Thùy
Ý kiến bạn đọc