Nông dân ứng phó linh hoạt trước biến động thị trường
Tỉnh Đắk Lắk là “thủ phủ” cà phê của cả nước với gần 213.000 ha, sản lượng đạt khoảng 558.600 tấn. Mức giá cà phê nhân cao kỷ lục như hiện nay là tín hiệu mừng để người nông dân yên tâm gắn bó với loại cây này, từ đó tận dụng tốt cơ hội về giá để phát triển bền vững.
Chủ động nắm bắt thông tin thị trường
Niên vụ vừa rồi, gia đình ông Y Tuân Byă ở thôn Hòa An (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) thu hoạch được 2 tấn cà phê nhân sản xuất theo tiêu chuẩn nông sản sạch. Sau khi thu hoạch xong, ông thường xuyên theo dõi những trang thông tin liên quan tới nông nghiệp để nắm bắt giá cả và dự báo thị trường của các cơ quan chức năng từ đó quyết định thời điểm bán cà phê hợp lý.
Giá cà phê đang biến động theo chiều hướng có lợi cho nông dân, hiện đã vượt mốc trên 82.000 đồng/kg. Mức giá này cao gần gấp đôi so với giá cà phê cùng kỳ năm ngoái nhưng ông vẫn hy vọng sẽ còn tăng cao hơn trong vài ba tuần tới nên chỉ bán 3 tạ để đầu tư chăm sóc vườn cà phê, số còn lại tiếp tục đợi giá cao hơn.
Theo tính toán người dân, bình quân 1 ha cà phê đầu tư hết khoảng 80 - 90 triệu đồng. Nếu giá bán vẫn duy trì trên 80.000 đồng/kg, trung bình mỗi héc-ta cà phê đem về lợi nhuận hơn 140 triệu đồng. Với những chủ vườn đầu tư bài bản, theo hướng chất lượng cao có thể thu lãi trên 200 triệu đồng/ha. Đây là động lực để nông dân duy trì, phát triển diện tích cà phê.
Nông dân xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) tích trữ cà phê tại kho của gia đình. |
Ông Đoàn Văn Tân ở thôn Thanh Cao (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) phấn khởi cho hay: “Với 2,5 ha cà phê, gia đình tôi thu về hơn 7,5 tấn nhân. Dù đang là thời điểm cần nhiều chi phí đầu tư cho cây cà phê niên vụ mới nhưng tôi vẫn chờ giá cao hơn mới bán”.
Ký gửi hay bảo quản nông sản tại nhà do người dân quyết định. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tích cực của truyền thông về giá cả nông sản hiện nay cùng với việc chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu thị trường, người nông dân đang dần thay đổi thói quen, tư duy trong sản xuất, không còn phó mặc tài sản của mình cho những may rủi của thị trường. |
Lý giải về việc này, ông Tân cho biết, nhu cầu về cà phê robusta những năm gần đây liên tục tăng, trong khi sản lượng cà phê robusta của Việt Nam đang giảm khiến nguồn cung thiếu hụt.
Qua theo dõi sát sao và cập nhật liên tục diễn biến của thị trường nên ông dự đoán giá cà phê sẽ còn tăng nữa. Kinh tế gia đình hiện nay khá ổn định, không còn cảnh "chưa thu hoạch xong đã vội vàng bán" để lo sắm sửa Tết, tái đầu tư vườn cây nên ông Tân chỉ bán 1 tấn cà phê, số còn lại chờ giá cao mới bán hết.
Thay đổi thói quen ký gửi nông sản
Không chỉ thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin liên quan tới nông nghiệp để nắm bắt giá cả thị trường, nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đang dần thay đổi thói quen ký gửi nông sản. Trước đây, cứ đến vụ thu hoạch cà phê, nông dân lại mang số cà phê thu hoạch được đi ký gửi ở các đại lý kinh doanh chờ khi giá cả phù hợp sẽ chốt bán. Nông dân lựa chọn hình thức mua bán này vì không có điều kiện bảo quản cà phê, với lại lo lắng bị mất trộm khi tự cất giữ cà phê.
Song, những năm gần đây, tình trạng đại lý tuyên bố vỡ nợ, phá sản xảy ra khá nhiều nơi gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và đời sống cho nông dân.
Theo ông Vũ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Ea Sin (huyện Krông Búk), để hạn chế tình trạng chiếm dụng vốn, lừa đảo qua hình thức ký gửi cà phê, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo các rủi ro trong việc ký gửi nông sản cho nông dân; khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện ký gửi nông sản, khi ký gửi phải làm hợp đồng có ràng buộc về mặt pháp lý rõ ràng.
Đặc biệt, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, đến những đại lý uy tín được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép hoạt động để giao dịch, ký gửi. Đồng thời, vận động người dân chủ động cất giữ nông sản ở nhà để bảo đảm tài sản.
Trang trại Aeroco (TP. Buôn Ma Thuột) liên kết với nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao. |
Là người trồng cà phê lâu năm, niên vụ cà phê vừa qua, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở buôn Ea Kring, xã Ea Sin (huyện Krông Búk) thu về hơn 5 tấn cà phê nhân. Thông thường, sau khi thu hoạch ông Hùng thường ký gửi cho các đại lý thu mua nông sản và chốt giá bán sau nhưng năm nay gia đình ông lựa chọn cách trữ cà phê tại nhà.
Ông cho biết, bây giờ đã có máy xay cà phê, nhà cửa cũng rộng rãi nên không còn quá lo lắng về khâu bảo quản, chỉ cần xay thành cà phê nhân là có thể tích trữ, bảo quản trong kho của gia đình và bán dần khi được giá cao.
Cùng cách làm trên, sau khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền, hướng dẫn quy trình bảo quản nông sản, bà Nguyễn Thị Nga ở thôn 10, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) cũng đang tích trữ 8 tấn cà phê nhân tại nhà.
Bà Nga chia sẻ: “Gia đình tôi tích trữ cà phê tại nhà, đầu tư tiền lắp thêm camera, rào chắn những khu vực kẻ gian có thể đột nhập vào trộm cắp. Cà phê là nông sản có tính thanh khoản tốt, không bị tư thương ép giá cũng không cần phải "giải cứu". Trong khi đó, ký gửi nông sản chỉ là giao dịch dân sự, các đại lý, công ty thường lợi dụng việc giá cả lên xuống, làm ăn thua lỗ để tuyên bố vỡ nợ. Người dân phải biết bảo vệ thành quả lao động của mình”.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc