Multimedia Đọc Báo in

Sức bật từ giá nông sản

07:42, 20/03/2024

Nông nghiệp Đắk Lắk cũng như vùng Tây Nguyên có sự khởi sắc khi nhiều mặt hàng nông sản chủ lực đồng loạt tăng giá cao, nông dân trên địa bàn tỉnh mừng vui vì đã có lãi sau rất nhiều năm giá xuống thấp.

Nông dân hưởng lợi

Vào thời điểm này, người dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2024. Việc giá bán liên tục tăng ngay từ đầu vụ đã giúp nhiều hộ dân trồng tiêu có thu nhập khá.

Gia đình bà Đặng Thị Kim Oanh (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) có 1,1 ha hồ tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh (6 sào trồng thuần và 5 sào trồng xen trong vườn cà phê), dự kiến sản lượng ước đạt 4 tấn. Đến nay, gia đình bà đã thu hoạch được hơn 50% diện tích tiêu, với mức giá hiện tại là hơn 95.000 đồng/kg (tăng từ 25 – 30% so với giá năm ngoái) nên đã giúp gia đình tăng thêm đáng kể thu nhập.

Người dân xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Tuyết Mai

Không chỉ bội thu mùa tiêu, mà gia đình bà rất vui vì có thêm khoản thu lớn từ cà phê. Với diện tích 5 sào cà phê trồng xen tiêu, vụ mùa vừa rồi, gia đình bà thu 1,5 tấn cà phê nhân. Với giá bán gần 70.000 đồng/kg, sau trừ các khoản chi phí, gia đình bà vẫn còn lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Năm 2024, ngành sẽ nghiên cứu 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các khu vực, các quốc gia để tận dụng những lợi thế từ các hiệp định này. Đặc biệt là khai thác những thị trường có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam mà Đắk Lắk có lợi thế, để từ đó định hướng lại sản xuất đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Tương tự, hộ ông Kim Ngọc Hanh (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) rất phấn khởi khi giá cà phê liên tục tăng cao từ đầu vụ đến nay. Ông Hanh chia sẻ, do mất mùa nên năm nay vườn cà phê (1,3 ha) của gia đình ông chỉ thu được gần 3 tấn cà phê nhân, nhưng bù lại giá cà phê rất cao.

Sau khi thu hoạch xong, ông Hanh đã quyết định bán toàn bộ số cà phê (với giá 75.000 đồng/kg) để chi tiêu và tái đầu tư cho vườn cây trong vụ mùa sau. Đây cũng là mức giá cà phê cao nhất mà gia đình ông bán được trong 23 năm trồng loại cây này.

Cùng với giá cà phê, giá sầu riêng cũng tăng cao đã giúp gia đình ông có thêm nguồn thu nhập khá. Với gần 100 cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê, vụ mùa vừa qua cũng đã giúp ông Hanh thu lãi hơn 50 triệu đồng.

Không chỉ người trồng cà phê, tiêu, sầu riêng phấn khởi khi giá tăng cao mà người dân trồng các loại cây khác như lúa, chanh dây cũng vui vì giá tăng hơn những năm trước, giúp nông dân đạt được lợi nhuận cao và yên tâm sản xuất, đẩy mạnh đầu tư sản xuất thâm canh theo hướng bền vững.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Hoài Dương cho biết, một trong những nguyên nhân giúp giá nông sản tăng cao là do có khá nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh được xuất khẩu chính ngạch vào một số thị trường lớn trên thế giới.

Xuất khẩu nông sản tăng trưởng ấn tượng

Việc tăng giá đồng loạt ở những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đã giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng như của riêng Đắk Lắk tăng trưởng ấn tượng. So với cùng kỳ năm 2023, trong hai tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu cà phê đạt 3.153 USD/tấn (tăng 44,7%); cao su 1.429 USD/tấn (tăng 3,4%); hạt tiêu 4.041 USD/tấn (tăng 28,7%); gạo 699 USD/tấn (tăng 32,2%)...

Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, hai tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt trên 9,8 tỷ USD (tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước). Đóng góp vào kết quả chung đó, nhóm hàng nông sản đạt 5,18 tỷ USD (tăng 55,7%).

Đơn cử như mặt hàng cà phê, hai tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân đạt 3.153 USD/tấn (tăng 44,7%), kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,4 tỷ USD (tăng 85%). Đối với mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu đạt 970 triệu USD, giá trị xuất khẩu rau quả tăng 72,8% so với cùng kỳ năm trước… Đây là những mặt hàng đã tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023 và hiện nay vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng cao.

Chế biến cà phê chất lượng cao ở Farm Rẫy Nhà Si (huyện Cư M'gar). Ảnh: Minh Thuận

Riêng với Đắk Lắk, năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh đạt 1,6 tỷ USD (đạt 100% kế hoạch, tăng 0,9% so với năm 2022), trong đó cà phê vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với 400.000 tấn (chiếm 72% tổng sản lượng sản xuất), kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD. Trong hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 327 triệu USD (tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 20,4% kế hoạch năm).

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Ngọc Dương, sự chủ động từ năm 2023 đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có các đơn hàng ngay từ đầu năm mới 2024. Đặc biệt, giá cà phê hiện đang ở mức cao (vượt ngưỡng 90.000 đồng/kg cà phê nhân), tạo điều kiện cho tỉnh nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk có 13/14 mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; nhiều sản phẩm nông sản chế biến sâu như yến sào, hạt mắc ca… đã được các nhà phân phối của Hàn Quốc, Trung Quốc… đưa vào các kênh bán hàng trong nước. Đây là những tín hiệu khả quan giúp tỉnh nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024.

Minh Thuận - Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.