Multimedia Đọc Báo in

Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển cà phê bền vững cho giai đoạn tới

16:27, 21/03/2024

Sáng 21/3, Đoàn giám sát số 54 của HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Krông Năng về “Giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về phát triển cà phê bền vững của tỉnh năm 2020 và định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 24).

Trên địa bàn huyện Krông Năng hiện có 23.842 ha cà phê, trong đó có 21.698 ha cho sản phẩm, năng suất bình quân đạt gần 29 tạ/ha, sản lượng ước đạt 62.468 tấn.

Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại vườn cà phê của hộ dân trên địa bàn huyện Krông Năng.
Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại vườn cà phê của hộ dân trên địa bàn huyện Krông Năng.

Thực hiện Nghị quyết 24, trong giai đoạn 2017 – 2020 huyện tái canh trên 3.685 ha, đạt gần 100% so với kế hoạch; giai đoạn 2021 – 2025 đã thực hiện tái canh được trên 406/627 ha kế hoạch. Trên địa bàn huyện hiện nay có 3 loại hình cà phê chứng nhận phổ biến gồm: 4C, RA , Fairtrade, với diện tích là 8.286 ha.

Hiện nay trên địa bàn huyện đã có khoảng 70 – 75% sản lượng cà phê được thu hái, phơi sấy và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật; có một số đơn vị thực hiện chế biến sâu, chiếm 0,1 – 0,2% sản lượng của niên vụ. Huyện cũng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nội địa và ngoài nước. Đặc biệt, triển khai thành công mô hình sản xuất cà phê đặc sản (tại HTX Ea Tân), với sản lượng bình quân hằng năm 30 tấn, giá bán tăng thêm 40% so với giá thị trường.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Hằng năm, UBND huyện đã phân bổ khoảng 250 triệu đồng cho các đơn vị liên quan để tổ chức các mô hình, tập huấn kỹ thuật thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững trên địa bàn huyện. Ngoài ra, UBND huyện đã lồng ghép với các chương trình, dự án khác để bố trí kinh phí đối ứng nhằm triển khai đề án có hiệu quả

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết 24 cũng gặp nhiều khó khăn do giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá cà phê nhiều năm xuống thấp nên người dân không chú trọng vào đầu tư sản xuất. Một số hộ dân thực hiện tái canh cà phê không đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; nông hộ sản xuất chưa tiếp cận được nguồn vốn vay thuộc chương trình tái canh cà phê…

Phó CHủ tịch UBND huyện Trần Sơn báo cáo tình hình phát triển cà phê trên địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trần Sơn báo cáo tình hình phát triển cà phê trên địa bàn huyện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đánh giá cao việc huyện Krông Năng đã quan tâm đến công tác phát triển cà phê bền vững trên địa bàn, theo đó đã đạt và vượt khá nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết 24 đề ra, nhất là về công tác chế biến sau thu hoạch, đào tạo tập huấn cho nông dân, tái canh cà phê…

Tuy nhiên, huyện cần rà soát lại diện tích cà phê và xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển cà phê bền vững cho giai đoạn sau này; cần quan tâm và có giải pháp tái canh để trẻ hóa vườn cây nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng vườn cây.

Đối với việc trồng xen canh, huyện phải kiểm tra, hướng dẫn người dân để bảo đảm mật độ canh tác, không để ảnh hưởng đến việc phát triển cây cà phê. Đồng thời, tăng cường vận động, tuyên truyền người dân duy trì vườn cây cà phê, nhân rộng các mô hình cà phê chế biến chất lượng cao…

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.