Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo với mô hình trồng rau bò khai

09:14, 29/03/2024

Trước đây, gia đình anh Ma Văn Sa (SN 1988 ở buôn Drăn, xã Ea Tir, huyện Ea H'leo) thuộc diện đặc biệt khó khăn. Năm 2019, khi đang làm công nhân ở TP. Hồ Chí Minh thì đại dịch COVID-19 bùng phát, anh quyết định nghỉ việc về nhà phụ giúp bố mẹ chăm sóc 1 ha rẫy cà phê.

Một lần đến nhà bạn ở huyện Krông Pắc chơi và được chiêu đãi món rau bò khai trong bữa cơm, anh Sa cảm thấy rất thích thú. Tìm hiểu, biết được rau bò khai không chỉ là đặc sản, được nhiều người lựa chọn làm thức ăn hằng ngày, mà còn dùng làm thuốc chữa các bệnh về thận, gan, lợi tiểu, tiêu viêm…, anh đã mạnh dạn mua 280 cây giống giá 7 triệu đồng về trồng trong một góc rẫy cà phê.

Khi vườn rau bò khai của gia đình anh Ma Văn Sa phát triển, nhiều hộ dân trong vùng đã đến mua về ăn. Nhận thấy nhu cầu sử dụng loại rau này ngày càng nhiều, anh Sa quyết định nhân rộng diện tích ra toàn bộ 1 ha rẫy. Nhưng cung vẫn không đủ cầu, bởi không chỉ người dân xã Ea Tir tìm mua về ăn, mà nhiều người ở các địa phương khác, đặc biệt là các nhà hàng, tiệc cưới trên địa bàn huyện Ea H’leo đặt mua với số lượng lớn.

Vườn ươm của Tổ hợp tác trồng rau bò khai Ea Tir cung ứng cây giống cho nhiều hộ dân.

Anh Sa cho hay, bò khai là loại rau rừng, rất dễ trồng vì trong tự nhiên chúng sinh trưởng rất khỏe, ít sâu bệnh. Việc nhân giống cũng cực kỳ đơn giản, chỉ cần cắt một đoạn thân già đem giâm tại nơi đất ẩm, thời gian ngắn cây mọc mầm và đem trồng. Trồng được khoảng 8 - 10 tháng thì bắt đầu thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt, cây ra chồi, mọc lá mới liên tục nên thời gian thu hoạch quanh năm. Cây có thể trồng xen trong rẫy cà phê, tiêu. Giá rau thì rất ổn định, thu nhập rất tốt. Từ diện tích rau bò khai hiện có, thời điểm mùa mưa mỗi ngày anh hái được khoảng 10 kg, bán với giá 50.000 đồng/kg thì lợi nhuận thu được 15 triệu đồng/tháng. Những tháng mùa khô, do lượng nước tưới không bảo đảm nên bình quân ba ngày anh mới thu gom và bán được 10 kg rau bò khai. Ngoài ra, nắm bắt được nhu cầu trồng rau bò khai của nhiều hộ dân trong xã, thời gian qua, anh Sa còn ươm giống bán với giá 15 - 20 nghìn đồng/cây. Nhờ mô hình trồng rau bò khai, từ năm 2020 đến nay gia đình anh Sa đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định.

Ông Triệu Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tir cho biết, nhận thấy mô hình trồng rau bò khai của hội viên Ma Văn Sa có tiềm năng phát triển kinh tế, đầu năm 2024 Hội Nông dân xã đã vận động thành lập Tổ hợp tác trồng rau bò khai theo hướng sản xuất hàng hóa. Bước đầu đã có 6 hộ thành viên tham gia với tổng diện tích trên 3 ha rau bò khai. Hội Nông dân xã còn kết nối đầu ra sản phẩm với những thị trường tiêu thụ lớn, ổn định như nhà hàng, dịch vụ tiệc cưới, chợ, siêu thị… trong và ngoài huyện để hội viên yên tâm phát triển mô hình. Hiện nay, Tổ hợp tác còn gây dựng một vườn ươm với trên 10 nghìn cây giống, sẵn sàng cung ứng cho các nông hộ khác trên địa bàn xã Ea Tir có nhu cầu trồng loại cây này để phát triển kinh tế gia đình.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.