Multimedia Đọc Báo in

Tín hiệu vui cho người trồng chanh dây

08:39, 12/03/2024

Sau thời gian dài đi xuống, giá chanh dây bất ngờ tăng trở lại, khiến các nông hộ  gắn bó với cây trồng này khấp khởi vui mừng.

Giá chanh dây bật tăng mạnh

Trước “cú sốc” rớt giá từ giữa năm 2023, nhiều hộ trồng chanh dây trên địa bàn tỉnh đã chặt bỏ gốc để trồng các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay, giá chanh dây bắt đầu tăng trở lại, mang lại lợi nhuận khá cho những hộ kiên trì gắn bó với loại cây trồng này.

Hiện nay, giá chanh dây xuất khẩu đang được thu mua ở mức trên 20.000 đồng/kg, chanh loại 1 khoảng 12.000 – 13.000 đồng/kg, chanh múc (loại chanh bị dập vỏ) từ 10.000 – 11.000 đồng/kg. Theo người trồng thì giá đã tăng gấp 3 - 4 lần so với đợt giảm sâu vào giữa năm ngoái.

Gia đình chị Đào Thị Lý (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) thu hái chanh dây.

Gia đình chị Đào Thị Lý (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) có 4 sào cà phê già cỗi đang trong quá trình cải tạo để tái canh. Đầu tháng 3/2023, tận dụng diện tích đất này, gia đình chị đã đầu tư vốn mua cây giống, làm giàn, hệ thống tưới nước tự động để trồng chanh dây.

Sau 6 tháng trồng, vườn chanh dây bắt đầu cho thu hoạch, nhưng lại đúng vào thời điểm giá xuống thấp chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, khiến gia đình chị đối diện với nguy cơ thua lỗ. Tiếc công sức đầu tư nên gia đình chị quyết tâm bám trụ, duy trì chăm sóc vườn cây.

Từ tháng 2/2024 đến nay, giá chanh dây tăng trở lại đã giúp gia đình chị bù được khoản lỗ trước đây và bắt đầu thu được lợi nhuận. Đều đặn, cứ hai ngày gia đình chị hái được 3 tạ chanh dây. Với giá bán khoảng 12.000 đồng/kg chanh loại 1, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị lãi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chị Lý vui mừng nói: “Ước tính năm nay, vườn chanh dây của gia đình tôi đạt sản lượng 30 tấn, nếu giá cả ổn định như hiện nay thì sẽ thu được lợi nhuận cao”.

Vào thời điểm giữa năm 2023, khi giá chanh dây đang xuống thấp, trong khi nhiều hộ dân tại huyện Krông Búk phá bỏ vườn cây vì không "gồng" nổi các khoản chi phí chăm sóc thì gia đình chị Nguyễn Thị Hoa (thôn Nam Anh, xã Cư Kbô) lại quyết định đầu tư trồng xen chanh dây trong vườn cà phê với diện tích 4 sào, với suy nghĩ trồng xen chanh dây ở trên, cà phê phía dưới sẽ được che bóng mát, nền đất giữ được độ ẩm. Bù lại, chanh dây cũng được hưởng nguồn phân bón dôi dư từ cà phê nên nếu chanh dây có rớt giá thì gia đình chị sẽ không bị lỗ vốn như những hộ trồng thuần khác. Khi giá chanh dây tăng trở lại cũng là lúc vườn chanh của gia đình chị Hoa bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, gia đình chị đã thu được khoảng 3 tấn chanh múc, bán với giá từ 10.000 – 12.000 đồng. “Nếu từ nay đến cuối năm, chỉ cần giá chanh dây cả ổn định từ 10.000 đồng/kg thì gia đình tôi sẽ bội thu”, chị Hoa hy vọng.

Để chanh dây phát triển bền vững

Với mức giá dao động từ 12.000 – 13.000 đồng như ở thời điểm hiện tại thì so với nhiều cây trồng khác, chanh dây đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trước biến động thất thường của thị trường thì để loại cây trồng này phát triển bền vững là một bài toán nan giải. Hiện nay, một số địa phương đang tích cực tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và người dân trong khâu sản xuất và tiêu thụ.

Nông dân huyện Krông Búk tích cực chăm sóc vườn chanh dây khi giá tăng trở lại.

Đơn cử, huyện Cư M’gar là địa phương có diện tích trồng chanh dây khá lớn (hơn 440 ha), tập trung chủ yếu ở các xã Ea Kpam, Cư M’gar, Ea Tul, Cư Dliê M’nông.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện, chanh dây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên cho năng suất và chất lượng cao. Đây cũng là loại cây có nhiều ưu thế bởi tận dụng được quỹ đất để trồng xen, chi phí đầu tư thấp và thời gian thu hồi vốn nhanh.

Tuy nhiên, vào thời điểm rớt giá, các hộ trồng tự phát với quy mô nhỏ lẻ hầu như không bán được, dẫn đến thua lỗ, buộc phải phá bỏ. Để tránh rơi vào điệp khúc “trồng - chặt”, huyện đã khuyến cáo người dân nên liên kết với các HTX, DN để sản xuất theo quy trình đồng bộ nhằm bảo đảm chất lượng, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Bước đầu, một số mô hình liên kết giữa nông dân, HTX với DN đã phát huy hiệu quả, xây dựng được chuỗi giá trị đối với cây trồng này.

Điển hình như: HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp) liên kết với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Ngọc Minh Châu (thị trấn Quảng Phú) cung cấp giống và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, với diện tích khoảng 15 ha; HTX Nông nghiệp công nghệ cao Xanh Cao Nguyên (xã Ea Kpam) xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ theo tiêu chuẩn GlobalGAP với một số DN tại TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu, với diện tích khoảng 60 ha.

Về lâu dài, huyện đang kêu gọi, thu hút một số DN có nhu cầu thu mua sản phẩm chanh dây về địa phương xây dựng các nhà máy, phát triển vùng nguyên liệu tập trung để xuất khẩu.

Còn tại huyện Krông Năng, đến cuối năm 2023 có 1.245 ha chanh dây được trồng rải rác trên địa bàn các xã, với năng suất ước đạt từ 50 – 60 tấn/ha.

Theo ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng, hiện nay đầu ra của sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào các cơ sở, đại lý thu gom chanh dây tươi để xuất bán cho các công ty chế biến ngoại tỉnh. Việc trồng chanh dây tại địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn chế và chịu tác động lớn từ biến động giá cả thị trường.

Do đó, Phòng đã khuyến cáo người dân không nên chạy theo lợi nhuận, mở rộng diện tích ồ ạt mà chỉ nên trồng xen trong vườn cà phê tái canh hoặc trên diện tích đất không phù hợp trồng cây lâu năm. Phòng cũng đã tổ chức các đợt tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc và kiểm soát rủi ro dịch bệnh để bảo đảm cây chanh dây phát triển tốt.

Đồng thời, địa phương đã tiến hành rà soát những diện tích trồng lớn, tập trung để xem xét hỗ trợ người dân cấp mã số vùng trồng và tìm kiếm các DN có đủ năng lực liên kết với người dân, tạo cơ hội cho chanh dây xuất khẩu chính ngạch.

Tuyết Mai – Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc