Trợ lực phát triển ngành nông nghiệp
Thời gian qua, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh những chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước về "Tam nông" thì nguồn vốn tín dụng ngân hàng là trợ lực quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) là đơn vị có quy mô tín dụng hàng đầu. Năm 2023, nguồn vốn huy động của chi nhánh đạt gần 11.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 17%, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 18.900 tỷ đồng (tăng 1.956 tỷ đồng so với năm 2022), tốc độ tăng trưởng 11,5% và bằng 103% kế hoạch năm, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trên 12.000 tỷ đồng (chiếm gần 70% tổng dư nợ).
Đầu năm 2024, giống như tình hình chung của toàn hệ thống, tín dụng của Agribank Đắk Lắk tuy có tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng dư nợ không tăng so với đầu năm nay.
Cụ thể, đến ngày 23/2, dư nợ cho vay nền kinh tế tại chi nhánh đạt 18.800 tỷ đồng, giảm so với đầu năm 100 tỷ đồng và tăng 1.978 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức tăng trưởng 12%. Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng gặp khó là do tác động tiêu cực từ nền kinh tế trong nước và thị trường quốc tế, thu nhập người dân sụt giảm, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng nên tín dụng tiêu dùng, tín dụng bất động sản tiếp tục đà suy giảm từ năm 2023 đến nay.
Bên cạnh đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút, hoạt động khó khăn, đơn hàng sụt giảm cũng dẫn đến nhu cầu vay vốn ngân hàng thấp. Mặt khác, xuất phát từ đặc thù tín dụng tại Agribank Đắk Lắk cho vay chủ yếu là hộ nông dân, vào thời điểm này đang là mùa khô, nhu cầu đầu tư tái sản xuất cho cây công nghiệp, nông nghiệp chưa cao, dẫn đến sức hấp thụ vốn tín dụng theo đó cũng giảm theo. Tuy nhiên, theo đánh giá của đơn vị, dư nợ tín dụng sụt giảm chỉ mang tính tạm thời, vào tháng 3 và quý 2/2024, tín dụng sẽ lấy lại đà tăng trưởng.
Xe chuyên dùng lưu động của Agribank Đắk Lắk phục vụ nhu cầu vay vốn của người dân vùng sâu, vùng xa. |
Trong năm nay, kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng Agribank Đắk Lắk là từ 7% trở lên, tương ứng với số dư đến cuối năm 2024 đạt từ 20.000 tỷ đồng trở lên; trong đó, dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm tỷ trọng trên 35%. Đơn vị sẽ chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực truyền thống và các lĩnh vực ưu tiên phát triển; gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn; chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ thị trường, thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Vương Hồng Lĩnh, Giám đốc Agribank Đắk Lắk cho biết, để tạo điều kiện cho người dân, khách hàng tiếp cận vốn vay thuận lợi phục vụ sản xuất, kinh doanh, đơn vị tiếp tục phát huy những thế mạnh của kênh phân phối truyền thống (mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, xe giao dịch lưu động...) hiện đang “phủ sóng” rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại trên nền tảng số, gia tăng trải nghiệm của khách hàng, tích cực góp phần thúc đẩy phát triển chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025; đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ, nhất là sản phẩm công nghệ cao.
Triển khai chính sách khách hàng đồng bộ với phương châm lấy khách hàng làm trung tâm; tiếp tục đẩy mạnh phát triển khách hàng cá nhân mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ, sử dụng dịch vụ E-Banking, khách hàng thanh toán lương qua tài khoản, mở tài khoản thanh toán trực tuyến. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, xúc tiến triển khai các dịch vụ giao dịch trực tuyến để cung cấp cho khách hàng.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc