Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất tại khu công nghiệp: Cần giải pháp tháo gỡ kịp thời

08:23, 24/04/2024

Nhiều năm qua, các nhà máy, xí nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp (KCN) Hòa Phú đang phải sử dụng nguồn nước giếng khoan hoặc bơm trực tiếp từ sông Sêrêpốk lên để phục vụ hoạt động sản xuất. Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

 Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk thuộc Tập đoàn Nameson Holding (Hồng Kông) hiện có 2 dự án triển khai tại KCN Hòa Phú, hoạt động, kinh doanh với ngành nghề chính là sản xuất các sản phẩm hàng dệt (áo len, khăn, mũ…).

Trong đó, dự án 1 có diện tích khoảng 1,1 ha, đi vào hoạt động khoảng một năm nay, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động. Dự án 2 diện tích gần 4 ha, dự kiến trong quý II năm nay sẽ đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động. Các dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 30 triệu USD, công suất khoảng 14 triệu sản phẩm/năm (áo len và các sản phẩm hàng dệt khác).

Dù đã hoàn thành nhưng công trình hệ thống cấp nước sạch Khu công nghiệp Hòa Phú vẫn chưa thể đưa vào vận hành, khai thác.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk, thời gian qua được sự quan tâm, hỗ trợ của UBND tỉnh Đắk Lắk, Ban Quản lý các KCN tỉnh và sở, ngành, địa phương mà công ty đã dần ổn định sản xuất.

Công ty cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạng mục của dự án 2, đồng thời kết hợp tuyển dụng lao động địa phương, sẵn sàng đi vào hoạt động sản xuất trong quý II năm 2024. Tuy nhiên, hiện tại, công ty nói riêng và các DN trong KCN Hòa Phú nói chung đang gặp một số khó khăn, vướng mắc về nước sản xuất.

Cụ thể, hệ thống nước sản xuất chưa được bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành, khai thác (Công ty Phát triển hạ tầng KCN Hòa Phú) nên các nhà máy, xí nghiệp trong KCN chưa thể đấu nối về khu vực sản xuất.

Bà Kiều bày tỏ lo lắng, về phía công ty, dự án 2 với công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm (khoảng 6 triệu áo len và 2 triệu sản phẩm hàng dệt khác như khăn, nón, bao tay…) thì nhu cầu nước cho hoạt động sản xuất rất lớn, nhưng đã cận kề ngày đi vào hoạt động mà nước phục vụ sản xuất vẫn chưa có.

Công ty đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục bàn giao, tiếp nhận hệ thống nước sản xuất để DN vận hành đi vào hoạt động.

Công nhân Công ty TNHH dệt sợi Regal Việt Nam làm quen với công việc trước thời điểm nhà máy đi vào hoạt động chính thức.

Tương tự, Công ty TNHH Dệt sợi Regal Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện cơ sở vật chất để đưa vào vận hành hoạt động trong quý II năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có nước phục vụ sản xuất nên thời gian dự kiến đưa vào hoạt động có thể phải kéo dài thêm.

Ông Ding Feng, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, nhu cầu nước sinh hoạt và nước sản xuất là rất cần thiết, do vậy về phía công ty đã nhiều lần kiến nghị cơ quan liên quan sớm thực hiện hệ thống đấu nối để nhà máy, xí nghiệp được sử dụng nguồn nước phục vụ cho hoạt động vận hành hệ thống.

Hiện tại, dù nhà máy chưa đi vào hoạt động nhưng công ty vẫn tạo điều kiện cho khoảng 200 công nhân làm quen với công việc và được trả lương để giữ chân.

Thời điểm đầu năm công ty đăng thông báo tuyển dụng lao động, tuy nhiên hiện tại do chưa có nước sản xuất nên tạm thời dừng thông báo tuyển dụng. Để kịp đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, công ty kiến nghị cơ quan liên quan sớm hoàn thiện các thủ tục cấp nước sản xuất trong thời gian sớm nhất.

Được biết, công trình hệ thống cấp nước sạch KCN Hòa Phú được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng tại Quyết định số 3179/QĐ - UBND ngày 30/10/2019. Công trình có tổng mức đầu tư gần 11,6 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư; thời gian thực hiện giai đoạn 2020 - 2022.

Mới đây, công trình được điều chỉnh tại Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 5/4/2024, theo đó thời gian thực hiện được điều chỉnh từ năm 2020 đến ngày 30/7/2024 và bổ sung vào điểm c Khoản 6 Điều 1 Quyết định số 3179/QĐ-UBND, với nội dung: “Lập hồ sơ cấp phép khai thác sử dụng nước mặt”.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, công trình nước sinh hoạt KCN Hòa Phú đã thi công xây dựng hoàn thành và đã được Sở Xây dựng thông báo chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng tại Thông báo số 2839/TB-SXD ngày 12/10/2022, trên cơ sở đó đơn vị đã bàn giao hạng mục cấp nước sinh hoạt của dự án cho Công ty Phát triển hạ tầng KCN Hòa Phú.

Tuy nhiên, để đảm bảo đưa vào quản lý vận hành sử dụng cần phải bổ sung gói thầu “Lập hồ sơ cấp phép khai thác sử dụng nước mặt” theo quy định pháp luật về tài nguyên nước nên chủ đầu tư đã lập bổ sung gói thầu nêu trên và đã được UBND tỉnh điều chỉnh tại Quyết định số 1057.

Hiện Ban Quản lý dự án đang phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục và trình hồ sơ cấp phép, bảo đảm bàn giao cho đơn vị sử dụng theo thời gian gia hạn.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.