Hợp tác đầu tư giữa Ấn Độ và Đắk Lắk: Lợi thế và cơ hội
Cùng với mối quan hệ tốt đẹp trong hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ, hiện nay quan hệ hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực giữa Đắk Lắk với các địa phương của Ấn Độ đang hứa hẹn sẽ mở ra một thời kỳ mới.
Từ nền móng vững chắc...
Ấn Độ và Việt Nam là những quốc gia có điểm chung lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do và luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp từ năm 1972 đến nay.
Trong những năm gần đây, kinh tế Ấn Độ đã có những bước tăng trưởng vượt bậc và luôn duy trì vị thế là quốc gia có quy mô nền kinh tế thuộc nhóm dẫn đầu của thế giới. Trong đó, thế mạnh nổi trội nhất là về lĩnh vực công nghệ thông tin và là thị trường tiêu thụ hàng hóa.
Chính vì vậy mà hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang rất quan tâm đến thị trường Ấn Độ.
Theo ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ truyền thống lâu đời và có sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau. Hai nước có sự hợp tác quy mô rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quốc phòng, khoa học và công nghệ. Năm 2016, Ấn Độ đã trở thành một trong những đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Các loại nông sản là lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp đến từ Ấn Độ có nhu cầu tìm hiểu và hợp tác đầu tư. |
Để tạo tiền đề cho quá trình hợp tác đầu tư lâu dài, từ đầu tháng 11/2023, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức chuyến làm việc tại Ấn Độ. Ngay sau đó, cuối tháng 11/2023, UBND tỉnh đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình gặp gỡ DN tỉnh Đắk Lắk và bang Odisha - Ấn Độ.
Ngày 16 và 17/4 vừa qua, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ đã phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị DN và đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên. Đây là cơ hội để DN tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung có thể giới thiệu, trao đổi thông tin và tìm kiếm bạn hàng, xúc tiến thương mại, đầu tư một cách hiệu quả.
Chia sẻ về những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong hợp tác đầu tư với các đối tác Ấn Độ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cho rằng, Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, có hệ thống giao thông thuận lợi. Diện tích tự nhiên của tỉnh hơn 13.000 km2, là vùng đất đỏ bazan trù phú phù hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn trái, rau củ quả, dược liệu...
Đắk Lắk còn có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào. Hiện nay, toàn tỉnh có 1 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, đang chuẩn bị đầu tư thêm 1 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp khác, đảm bảo cho nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư.
Đến những bản ghi nhớ hợp tác
Theo thống kê của Sở Ngoại vụ, tính đến nay đã có 66 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các hội, hiệp hội, DN của tỉnh Đắk Lắk và các hiệp hội, DN của Ấn Độ được ký kết.
Trong đó có 52 biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị DN và đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên, 14 biên bản được ký kết cuối năm 2023.
Một doanh nghiệp đến từ Ấn Độ tham khảo các sản phẩm trái cây đặc trưng của tỉnh Đắk Lắk. |
Tỉnh Đắk Lắk mong muốn thiết lập mối quan hệ bền chặt với các đối tác Ấn Độ trên lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin và mong rằng Đắk Lắk sẽ trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản như sầu riêng, trái cây, điều, cà phê… chất lượng cho các kênh phân phối ở Ấn Độ”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn
|
Ông Asif Ibal, Chủ tịch Tổ chức Kinh tế thương mại Ấn Độ chia sẻ, mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước Ấn Độ và Việt Nam đã tạo tiền đề không nhỏ cho bước hợp tác đầu tư sau này. Đối với tỉnh Đắk Lắk, sau khi đi thăm các nhà máy, vùng sản xuất trên địa bàn, các DN Ấn Độ đã có ấn tượng tốt đẹp.
Hiện nay, Ấn Độ có hơn 200 dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó có một dự án tại tỉnh Đắk Lắk. Những hội nghị, chuyến thăm đến biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các địa phương, DN của Ấn Độ và tỉnh Đắk Lắk là cơ hội tốt để tiếp tục xúc tiến hợp tác đầu tư trong thời gian tới.
Ông Lê Minh Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam cho biết, hiện nay Đắk Lắk đang là địa phương tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ Ấn Độ lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tất các các tỉnh Tây Nguyên đều đang nằm trong vùng ưu đãi đầu tư. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường quảng bá hình ảnh, chia sẻ nhu cầu hợp tác đầu tư của tỉnh mình, đặc biệt là với các đối tác Ấn Độ. Đồng thời, cần cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số để gia tăng cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài.
Với mục tiêu tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư, mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức đầu tư, Đắk Lắk đã xác định sẽ tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm nâng cao vị thế, cải thiện môi trường thu hút đầu tư vào địa phương.
Lãnh đạo tỉnh cũng cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư, DN khi đến đầu tư vào địa bàn tỉnh, xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh.
Cụ thể là thực hiện đầy đủ, nhất quán, đúng quy định các chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động…
Bên cạnh đó, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, xây dựng Đắk Lắk từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện công khai, minh bạch, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính; tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa nhằm loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, khó thực hiện để giảm chi phí không chính thức và chi phí thời gian cho nhà đầu tư...
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc