Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nỗ lực ứng phó với hạn cục bộ

08:28, 22/04/2024

Thời tiết nắng nóng kéo dài những ngày qua đã gây hạn hán cục bộ tại một số khu vực của huyện Krông Bông. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn và chính quyền huyện đang nỗ lực triển khai các giải pháp ứng phó nhằm giảm thiệt hại do hạn hán gây ra.

Hàng trăm héc-ta cây trồng “khát nước"

Gia đình anh Cháng Mí Hồ (thôn Ea Uôl, xã Cư Pui) có 1 sào lúa nước và 1,3 ha cà phê đang thiếu nước trầm trọng. Theo anh Hồ, toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình anh đều phụ thuộc vào nguồn nước bơm tưới từ suối Ea Kyông lên.

Hiện tại, lúa của gia đình anh đang trong giai đoạn trổ bông, còn khoảng 15 ngày nữa là cho thu hoạch, việc thiếu nước tưới khiến hạt lúa bị lép, dự kiến năng suất giảm khoảng 50% so với vụ trước; còn cà phê thì mới chỉ tưới được hai đợt nên nay đã héo úa.

“Thời điểm này năm ngoái, mực nước suối vẫn còn đủ để tưới cho cây trồng dọc hai bên bờ. Thế nhưng năm nay, từ tháng 3, mực nước suối bắt đầu giảm mạnh, đến nay thì đã khô cạn. Giờ gia đình tôi cũng như những hộ trong thôn chỉ còn trông chờ mưa sớm thì may ra mới cứu được cây trồng”, anh Hồ than thở.

Chính quyền xã Ea Trul (huyện Krông Bông) ngăn dòng đưa nước từ sông Krông Ana về đập thôn 2 để tưới cho cây trồng.

Theo thông tin từ UBND xã Cư Pui, do tình trạng nắng nóng gay gắt, từ tháng 1 đến tháng 4/2024, tại địa phương không có mưa, mực nước tại các ao, hồ đập, sông, suối cạn dần, gây thiếu hụt nguồn tưới và khiến cho 55 ha lúa nước (tập trung chủ yếu ở buôn Bhung, thôn Ea Uôl, thôn Ea Lang…) bị khô hạn, trong đó có 38 ha mất trắng.

Tương tự, nhiều diện tích cây trồng tại xã Ea Trul cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Gia đình anh Trần Vũ Kha (thôn 1, xã Ea Trul) có 8 sào cà phê. Do vườn rẫy không nằm ở khu vực đập thủy lợi, cũng không thể khoan giếng vì địa hình đồi đá nên gia đình anh đã chủ động đào ao tích trữ nước mưa để bơm tưới cho cây trồng. Mọi năm, nguồn nước từ ao chứa rộng 300 m2 đủ để gia đình anh tưới suốt mùa khô. Thế nhưng năm nay mới chỉ sau hai đợt tưới, ao đã trơ đáy. Không thể xoay xở đâu ra nguồn nước tưới nên giờ đây vườn cây của gia đình anh chỉ còn “nhờ trời”.

 

Đến đầu tháng 5/2024, nếu không có mưa thì tình hình thiếu nước sẽ xảy ra chủ yếu với các diện tích trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả do nguồn nước tại một số hồ, đập hiện nay đã cạn (như hồ Hòa Thành, hồ Dang Kang Thượng 2, hồ Cư Đrang, hồ Dang Kang hạ, hồ Ea Juôi, hồ Ea Hmun); lượng nước từ các các giếng khoan, ao hồ của các hộ gia đình đào để tích trữ nước không còn đủ bơm tưới”.

 
Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông Võ Tấn Trực

Chủ tịch UBND xã Ea Trul Nguyễn Văn Dương cho biết, vụ đông xuân 2023 – 2024, toàn xã có 479 ha cây trồng cần nước tưới. Tuy nhiên, năm nay mưa ít, nắng nóng kéo dài đã khiến mực nước tại các công trình hồ đập giảm mạnh, không còn đủ để cung cấp nước tưới cho cây trồng. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã có 125 ha lúa nước và khoảng 60 ha cà phê bị ảnh hưởng do hạn hán. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì diện tích cây trồng bị thiệt hại sẽ tăng lên.

Nỗ lực chống hạn

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Krông Bông, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã có 457 ha cây trồng đang bị khô hạn cục bộ (trong đó lúa nước là 384 ha, cà phê là 73 ha) tập trung tại các xã: Yang Reh, Ea Trul, Hòa Phong, Cư Pui.

Trước tình trạng hạn cục bộ, huyện Krông Bông đang tập trung ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ông Võ Tấn Trực, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông cho biết, thực hiện Công văn số 1151/UBND-NNPTNT, ngày 21/3/2024 của UBND huyện về việc tăng cường thực hiện các biện pháp ứng phó với hạn hán trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện, Phòng NN-PTNT đã phối hợp với Chi nhánh Thủy lợi huyện Krông Bông và chính quyền các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát các khu vực bị ảnh hưởng, thiệt hại do hạn hán để triển khai những biện pháp khắc phục.

Đối với những vùng còn nước, Phòng hướng dẫn UBND các xã sử dụng nguồn ngân sách địa phương thực hiện lắp đặt các trạm bơm dã chiến, tải nước từ sông, suối để cứu cây trồng, trong đó ưu tiên nguồn nước tưới cho các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và cây trồng gần đến ngày thu hoạch. Đồng thời, xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí tưới chống hạn cho những diện tích cây trồng bảo đảm nước tưới; vận động người dân tận dụng nguồn nước từ hồ đập, giếng khoan, đắp các đập tạm để tưới cho cây trồng.

Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương cần chủ động theo dõi tình hình hạn hán, rà soát nguồn nước các sông suối, hồ đập; khoanh vùng diện tích cây trồng thiếu nước tưới, có khả năng bị hạn để xây dựng kế hoạch điều tiết nước tưới phù hợp nhằm tránh tình trạng tranh chấp nước hoặc tưới không tiết kiệm dẫn đến khô hạn nguồn nước nhanh và kéo dài hơn.

Nhiều diện tích cà phê trên địa bàn xã Ea Trul (huyện Krông Bông) đã héo rũ vì thiếu nước tưới.

Ngoài ra, Phòng cũng đề nghị Chi nhánh Thủy lợi huyện Krông Bông tăng cường công tác điều tiết nước tại các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý, đặc biệt là các hồ chứa nước; phối hợp với UBND các xã, thị trấn trong việc tu bổ, nạo vét kênh mương và thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm, hiệu quả…

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.