Nâng cao vị thế cho lúa gạo Ea Súp
Từ khi hệ thống thủy lợi Ea Súp thượng và Ia Mơr đi vào hoạt động đã biến vùng bình nguyên Ea Súp thành một trong những vựa lúa lớn nhất tỉnh. Chất lượng lúa gạo cũng được khẳng định thông qua việc liên kết sản xuất lúa có chứng nhận.
"Mùa vàng" trên những cánh đồng
Xã Ya Tờ Mốt là địa bàn trọng điểm về cây lúa ở huyện Ea Súp với diện tích hơn 2.100 ha. Lúa là cây trồng chủ lực tại địa phương, mang lại thu nhập khá cho người dân. Ông Vũ Đại Lượng, Chủ tịch UBND xã cho biết, đến nay, người dân trên địa bàn xã đã thu hoạch được khoảng 70% diện tích, những khu vực chưa gặt chủ yếu là lúa ST24, ST25. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cây lúa phát triển tốt, một số diện tích bị rầy nâu nhưng không đáng kể, năng suất đạt 7 tấn/ha. Trên địa bàn xã chưa có cơ sở chế biến lúa gạo, nhưng sản lượng lúa người dân thu hoạch đến đâu được thương lái tới thu mua đến đó với giá 6.500 – 7.000 đồng/kg.
Người dân xã Ea Bung (huyện Ea Súp) thu hoạch lúa đông xuân 2023 - 2024. |
Trên cánh đồng thuộc xã Ea Bung, chị H’Pen Niê đang nhặt những bông lúa còn sót lại sau khi máy gặt chạy qua. Chị ở buôn C (thị trấn Ea Súp), đất canh tác ít nên phải vào đây thuê hơn 1 ha đất ruộng để trồng lúa. Năm nay, gia đình chị trồng giống lúa Đài Thơm, lúa đủ nước tưới, năng suất đạt 7,5 tạ/sào, giá bán tại ruộng 7.200 đồng/kg.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp Nguyễn Bá Bân cho biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn huyện gieo trồng 7.157 ha lúa nước. Nông dân trên địa bàn huyện sử dụng các giống lúa cho năng suất cao, đã khẳng định được hiệu quả trong những vụ trước như Đài Thơm 8, TBR39, TBR225, OM5451, RVT, ST24, ST25. Ngành nông nghiệp chủ động phối hợp với Chi nhánh Thủy lợi Ea Súp (thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Lắk) điều tiết nước tưới hợp lý, hướng dẫn nông dân sử dụng nước tiết kiệm. Đa phần diện tích lúa trong quy hoạch cơ bản được bảo đảm nước tưới, tình trạng thiếu nước cục bộ chỉ xuất hiện ở những chân ruộng cao, ruộng ở khu vực cuối kênh mương. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 60% diện tích lúa. Năng suất bình quân đạt 6,7 – 7 tấn/ha, có nơi đạt 10 tấn/ha. Đánh giá sơ bộ đến nay thì vụ lúa đông xuân 2023 – 2024 tại địa phương là thành công.
Xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo
Huyện Ea Súp có diện tích quy hoạch đất trồng lúa trên 10.783 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 7.200 ha; các xã có diện tích trồng lúa hai vụ lớn nhất là: Ya Tờ Mốt, Ea Rốk, Ea Lê, Ea Bung và Cư M’lan. Ngoài ra, xã Cư Kbang cũng có diện tích trồng lúa tương đối lớn (trên 1.168 ha), nhưng chỉ trồng được một vụ trong mùa mưa do chưa có hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất.
Thời gian qua, huyện Ea Súp đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng, phát triển vùng lúa gạo, xây dựng thương hiệu lúa gạo huyện Ea Súp trên cơ sở hướng tới liên kết "4 nhà". Trong đó tập trung các giải pháp về giống, khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp (DN) với những dòng gạo chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu thị trường hiện nay. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, huyện đã triển khai được một số chương trình như: xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao theo chuỗi liên kết sử dụng giống lúa TBR 225 (quy mô 170 ha, trên địa bàn các xã: Ea Lê, Ea Bung và xã Ea Rốc); dự án sản xuất lúa theo chuỗi liên kết (với 600 hộ dân tham gia); chuỗi liên kết sản xuất lúa (quy mô 170 ha, tại hai xã Ya Tờ Mốt và Ea Bung). Ngoài ra, bằng nguồn vốn để quản lý và bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, huyện đã xây dựng mô hình sản xuất lúa có chứng nhận VietGAP cho các hợp tác xã (HTX) sản xuất lúa trên địa bàn huyện; tổ chức các buổi hội thảo, tham quan đánh giá, hội nghị tổng kết dự án nhằm kết nối người sản xuất với DN thu mua nông sản. Đặc biệt, trong năm 2023, huyện đã xây dựng Dự án phát triển chuỗi giá trị lúa, gạo với chế biến sâu sản phẩm bún, phở khô ở HTX Giảm nghèo Ea Súp.
"Mùa vàng" trên cánh đồng lúa ở huyện biên giới Ea Súp. |
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, hệ thống thủy lợi được mở rộng, đầu tư sửa chữa, nâng cấp hằng năm; điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp; nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa… là những điều kiện thuận lợi để lúa gạo được sản xuất tại huyện Ea Súp có chất lượng tốt, hương vị đặc trưng so với các địa phương khác trong tỉnh và đã được các thương lái, DN đánh giá cao.
Mặc dù liên kết sản xuất đang mang lại hiệu quả cao, nhưng số lượng DN và HTX tham gia chuỗi liên kết còn ít, quy mô thực hiện nhỏ. Bên cạnh đó, liên kết theo chuỗi giá trị còn ít và chưa chặt chẽ, thiếu các mối liên kết dọc và ngang. Mối liên kết giữa DN và hộ sản xuất trong các HTX còn lỏng lẻo, không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm lâu dài của các bên với nhau. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong liên kết sản xuất, kinh doanh mặc dù được ban hành nhưng việc tiếp cận vẫn còn khó khăn… Đây là những “nút thắt” cần tháo gỡ trong lộ trình xây dựng thương hiệu Gạo Ea Súp gắn với chỉ dẫn địa lý.
Minh Thuận – Minh Chi
Ý kiến bạn đọc