Multimedia Đọc Báo in

Cùng nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

08:47, 09/05/2024

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhiều nông dân ở các địa phương đã linh hoạt sử dụng những nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội để bán hàng nông sản.

Mới đây, Bộ Công Thương đã tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) vùng Tây Nguyên nhằm hỗ trợ họ mang nông sản của mình lên sàn TMĐT.

Đại diện TikTok Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh cho hay, trong năm 2023, sáng kiến "Chợ phiên OCOP" nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và TikTok Việt Nam đã thành công mang sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), cùng nông, đặc sản địa phương quảng bá đến đông đảo cộng đồng trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop.

Sau một năm triển khai, "Chợ phiên OCOP" đã tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ giá trị chương trình OCOP cho người dùng mạng xã hội, như: hashtag #OCOP đạt 1,4 tỷ lượt xem, hơn 800 phiên livestream "Chợ phiên OCOP" được tổ chức, với doanh số đạt hơn 100 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến.

Hợp tác xã bơ Đại Hùng thu hoạch bơ cho nông dân trên địa bàn huyện Krông Năng. Ảnh: Minh Thuận

Tiếp nối thành công đó, năm 2024, TikTok phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) hỗ trợ các DN, HTX sản xuất hàng Việt Nam, các chủ thể OCOP tại các tỉnh về kỹ năng số, quảng cáo trực tuyến… nhằm mang những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước. Dự kiến trong năm 2024, TikTok sẽ đào tạo cho khoảng 5.000 DN, HTX và hộ kinh doanh thông qua chương trình hợp tác này.

Cũng trong khuôn khổ chương trình hợp tác này, mới đây, TikTok đã tổ chức đào tạo cho các DN, HTX sản xuất, kinh doanh của 5 tỉnh Tây Nguyên hiểu và nắm về các kỹ năng số để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn TMĐT. Đồng thời, tổ chức một phiên livestream có sự hỗ trợ của các TikToker nổi tiếng tại địa phương (như chủ các kênh Hana Ban Mê, Chuyện của Đức…) để các DN, HTX có trải nghiệm thực tế về bán hàng trên TikTok.

Phiên livestream có 26 sản phẩm đặc trưng của vùng Tây Nguyên tham gia, được hỗ trợ giảm giá từ 5 – 70% nhằm giúp DN, HTX có thêm kinh nghiệm; đồng thời giúp người mua hàng có thể trải nghiệm về sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên với giá ưu đãi. Đồng thời, giúp các DN, HTX, chủ thể OCOP thành thạo những công cụ, tự vận hành được hệ thống và đưa hàng hóa lên trên tính năng TikTok Shop, cách livestream bán hàng…

TikTok Việt Nam sẽ hỗ trợ thêm về truyền thông, tặng phiếu mua hàng, phí giao hàng… để DN, HTX, người kinh doanh tiếp cận được nhiều người mua hàng hơn.

Chủ kênh TikTok Hana Ban Mê hướng dẫn livestream bán hàng.

Đơn cử như HTX Đắk Tơ Lung Xanh (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) chuyên sản xuất và cung cấp các mặt hàng trái cây tươi và sau chế biến (sầu riêng, mít, chuối, chanh dây…).

Trung bình, mỗi tháng HTX cung ứng ra thị trường khoảng 5.000 sản phẩm các loại, nhưng đều qua kênh phân phối truyền thống cho các cửa hàng OCOP, điểm bán hàng đặc sản, khu du lịch tại TP. Kon Tum, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Nhằm tìm kiếm thị trường lớn hơn, từ năm 2023, HTX đã lập gian hàng trên sàn TMĐT Shopee, nhưng không biết cách vận hành nên bỏ không, không bán được hàng. Chính vì vậy, khi tham gia khóa tập huấn này, được “cầm tay chỉ việc” từng khâu từ chụp ảnh, quay video, lập tài khoản, gắn giỏ hàng và được "thực chiến" livestream bán hàng trên nền tảng TikTok với TikToker có tầm ảnh hưởng nên HTX đã cơ bản nắm được cách thức thực hiện.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Đắk Tơ Lung Xanh Ngô Thị Ly chia sẻ, đây không chỉ là một khóa tập huấn mà còn là cơ hội để trình bày thành quả lao động của HTX, để các sản phẩm mà HTX làm ra được nhiều người biết đến.

Nhờ được hỗ trợ nhiệt tình từ các TikToker nổi tiếng mà chỉ sau 15 phút livestream, HTX đã có 5 đơn hàng đầu tiên trên nền tảng TikTok Shop và có 1.000 lượt khách ghé thăm gian hàng. Tới đây, bà Ly sẽ hướng dẫn cho các thành viên cách đăng tải hình ảnh, video thường xuyên lên TikTok để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Còn đối với Công ty TNHH iForest (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) ngoài sản phẩm chất lượng, bắt mắt, còn có đội ngũ nhân lực trẻ nhiều kinh nghiệm trong marketing.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, đại diện Công ty TNHH iForest cho biết, sau nhiều năm sản xuất cà phê, sản phẩm của công ty đã được nhiều người biết đến, nhưng sản lượng cà phê bán ra chưa đạt được như mong đợi.

Từ trước đến nay, công ty tập trung vào phát triển truyền thông qua mạng xã hội Facebook, nhưng mới chỉ đơn thuần tập trung vào giới thiệu về sản phẩm, kể câu chuyện thương hiệu, cách canh tác, chế biến ra sản phẩm cà phê… và chưa bán được hàng.

Qua buổi tập huấn này, ngoài học cách livestream, ông đúc rút thêm kinh nghiệm về cách kể câu chuyện sản phẩm sao cho “cuốn”, mở rộng tệp khách hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu làm sao để bán được nhiều sản phẩm hơn trên sàn TMĐT.

Thùy Dung – Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.