Multimedia Đọc Báo in

Đưa cây dứa phát triển bền vững

08:56, 16/05/2024

Những năm gần đây, trồng dứa được xem là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Krông Bông.

Để cây dứa phát triển bền vững, chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm mở rộng quy mô vùng trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ.

Thu nhập khá từ cây dứa

Gia đình ông Lê Văn Thắm (thôn 2, xã Cư Drăm) được xem là hộ tiên phong đưa cây dứa về trồng tại địa phương.

Năm 2012, ông Thắm chuyển đổi 8 sào đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả của gia đình sang trồng dứa. Sau hai năm trồng, cây dứa cho thu hoạch vụ đầu tiên. Toàn bộ dứa của gia đình được thương lái thu mua với giá cao (20.000 đồng/quả loại 1), giúp ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Thấy cây dứa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên gia đình ông dần mở rộng diện tích, đến nay lên 30 ha.

“Mỗi héc ta dứa cho năng suất từ 25 – 30 tấn. Với giá bán trung bình từ 10.000 – 12.000 đồng/quả như hiện nay, gia đình tôi thu lãi khoảng 120 – 130 triệu đồng/ha”, ông Thắm cho hay.

Ông Trần Ngọc Anh (buôn Chàm B, xã Cư Drăm) vui mừng vì vụ dứa năm nay đạt năng suất và ổn định về giá.

Gia đình ông Trần Ngọc Anh (buôn Chàm B, xã Cư Drăm) bắt đầu trồng dứa từ năm 2020. Hiện gia đình ông đang sở hữu 3 ha dứa, với 60.000 gốc.

Ông Thắm cho biết, cây dứa là loại cây chịu hạn tốt, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp (từ 20 – 30 triệu đồng/ha), nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác.

Vụ mùa năm nay, vườn dứa ước đạt sản lượng khoảng 90 tấn (tương đương khoảng 54.000 quả), với giá bán bình quân 10.000 đồng/quả, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 400 triệu đồng.

 

“Địa phương đã đạt được thỏa thuận với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) trong thu mua và bao tiêu toàn bộ sản lượng dứa trên địa bàn với mức giá bảo hiểm cao nhất là 15.000 đồng/quả. Trong tháng 5/2024, huyện sẽ tổ chức ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dứa giữa doanh nghiệp và người dân" - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông Võ Tấn Trực.

Tương tự, gia đình ông Sín Mí Chá (thôn Ea Uôl, xã Cư Pui) cũng là một trong những hộ trồng dứa đạt hiệu quả cao. Năm 2021, sau khi tham khảo một số mô hình trồng dứa, ông Chá đã đầu tư 40 triệu đồng mua 20.000 cây dứa giống về trồng trên 1 ha đất của gia đình.

Năm 2023, vườn dứa cho thu hoạch vụ đầu tiên, với sản lượng hơn 30 tấn, giá bình quân 9.000 đồng/quả. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng. Ngoài bán quả, ông còn thu được 100 triệu đồng từ việc bán chồi dứa làm giống.

Theo ông Chá, nếu trồng bắp, sắn dù được mùa, được giá thì lợi nhuận thu về cũng chỉ khoảng 50 triệu đồng/ha, trong khi dứa cho thu nhập gấp 4 lần mà chi phí đầu tư thấp.

Liên kết sản xuất để phát triển bền vững

Nhận thấy hiệu quả từ cây dứa nên những năm gần đây, bà con nông dân ở một số xã trên địa bàn huyện Krông Bông đã mở rộng diện tích loại cây trồng này. Hiện, toàn huyện có gần 2.200 ha dứa, tập trung chủ yếu tại các xã Cư Drăm, Cư Pui, Yang Mao.

Phó Chủ tịch UBND xã Cư Drăm Trần Đức Sơn cho biết, Cư Drăm là địa phương có diện tích dứa nhiều nhất huyện Krông Bông, với 1.768 ha (chiếm hơn 82% diện tích dứa toàn huyện). Trong những năm gần đây, cây dứa đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, bởi có nhiều lợi thế phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua nhiều năm trồng, bà con nông dân ngày càng phát huy được thế mạnh của cây dứa như có sức chịu hạn tốt, cho năng suất ổn định và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, hiện nay với kỹ thuật xử lý dứa ra quả theo ý muốn đã được người dân áp dụng rộng rãi nên cây dứa cho thu hoạch quanh năm, hạn chế áp lực tiêu thụ vào thời điểm chính vụ. Tuy nhiên, thực tế người trồng vẫn còn phải đối mặt với nhiều nỗi lo như: giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, thị trường tiêu thụ dứa vẫn phụ thuộc vào thương lái… nên chưa dám đầu tư, mở rộng diện tích dứa nhiều.

Người dân xã Cư Drăm bán dứa cho thương lái.

Để cây dứa phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm mở rộng quy mô vùng trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ.

Định hướng của huyện là tiếp tục phát triển diện tích trồng dứa ở những vùng đất phù hợp. Mục tiêu trong hai năm 2024 và 2025, huyện sẽ trồng thêm gần 330 ha dứa.

Theo đó, huyện sẽ phối hợp với UBND các xã rà soát, tuyên truyền và hỗ trợ các hộ có đủ điều kiện (đất đai, lao động, kinh nghiệm…) thực hiện dự án trồng dứa từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, tìm kiếm và liên kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản trong và ngoài tỉnh để tìm đầu ra ổn định. Khi mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ổn định, huyện sẽ tiến tới mục tiêu tăng diện tích cây dứa (định hướng từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ có 4.000 – 5.000 ha dứa) để vừa bảo đảm cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp chế biến, vừa nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng dứa trên địa bàn huyện.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.