Multimedia Đọc Báo in

Giữ rừng giữa bộn bề áp lực

08:22, 29/05/2024

Lực lượng mỏng, nhiệm vụ nặng nề, nguồn vốn hạn chế và áp lực dân di cư tự do... là những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) hiện nay.

Chủ rừng khó, địa phương khổ

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing (đứng chân trên địa bàn huyện Cư M'gar) quản lý 3.248 ha, trong đó 622 ha đất có rừng. Diện tích rừng ít nhưng phân bố ở 7 tiểu khu theo kiểu "da báo" nên người dân dễ lấn chiếm. Rừng bị phá, lấn chiếm nhiều thời điểm cả ngày lẫn đêm, ngày lễ. Các lối đi vào rừng thường bị cài bẫy để hạn chế người làm nhiệm vụ. Những người phá rừng có cảnh giới, manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng bảo vệ rừng.

Áp lực, trách nhiệm lớn, nhưng tiền lương của cán bộ làm công tác giữ rừng bình quân chỉ 5 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị nhiều lần nợ lương, nợ bảo hiểm, có đợt nợ kéo dài đến 21 tháng. Tình trạng này khiến nhiều người xin nghỉ việc. Ông Trần Anh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing cho biết, từ năm 2017 đến nay, vị trí Trưởng Phòng QLBVR thay 4 người; năm 2023, 3 nhân viên nghỉ việc cùng lúc. Hiện nay, công ty chỉ còn 3 người làm công tác giữ rừng, nhưng một người đã nộp đơn xin nghỉ, đơn vị phải động viên ở lại thêm đến hết tháng 5/2024. Không có tiền trả lương nên công ty muốn tuyển người mới để thực hiện nhiệm vụ cũng không được.

Thực tế là hiện nay công tác QLBVR tại các địa phương gặp nhiều thách thức lớn. Đơn cử như tại huyện Lắk có 99.152,5 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 78.626 ha đất có rừng, độ che phủ rừng 61,92%. Các đơn vị chủ rừng là tổ chức nhà nước quản lý hơn 81.588 ha, các dự án được UBND tỉnh cho thuê đất sử dụng mục đích lâm nghiệp hơn 5.593 ha, rừng hiện do UBND cấp xã quản lý 10.562 ha, còn lại giao cho các hộ gia đình.

Theo ông Võ Thành Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk, công tác QLBVR trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn rộng, giáp ranh với nhiều địa phương khác, dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống gần rừng và ven rừng. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, gây sức ép lớn cho rừng.

Bên cạnh đó, công tác giao đất, giao rừng còn nhiều bất cập, nhiều diện tích là vườn rẫy canh tác lâu năm của người dân nhưng vẫn quy hoạch đất lâm nghiệp, nên rất khó thu hồi và diễn ra tình trạng xung đột, tranh chấp đất đai giữa người dân và chủ rừng.

Ngoài ra, hiện vẫn còn tồn tại sai số dữ liệu quản lý rừng và đất lâm nghiệp từ kiểm kê năm 2014 với thực địa của một số chủ rừng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý rừng, sử dụng rừng, cập nhật diễn biến rừng tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Nguyễn Văn Công cho biết, chưa bao giờ công tác QLBVR khó khăn như hiện nay. Trên thực tế, người dân vẫn hằng ngày vào rừng xâm canh, nhưng lực lượng bảo vệ rừng thì rất mỏng. Đối với Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm đứng chân trên địa bàn hiện có hai thành viên, nhưng ông chủ ở TP. Hồ Chí Minh thì rót vốn rất cầm chừng. Hiện đơn vị chỉ có 6 – 7 người bảo vệ, quản lý hơn 8.000 ha rừng. Huyện phải thành lập các đoàn liên tục vào để phối hợp với chủ rừng tuần tra, nhưng nguồn kinh phí của huyện chỉ hỗ trợ xăng xe cho lực lượng này.

Bữa ăn đạm bạc giữa rừng của lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Ka. Ảnh: Vạn Tiếp

An ninh rừng vẫn "nóng"

Tính đến hết năm 2023, Đắk Lắk có hơn 497.235 ha đất có rừng (trong đó, rừng tự nhiên gần 411.931 ha, rừng trồng hơn 85.304 ha), diện tích đất chưa có rừng gần 240.048 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,04%.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác QLBVR. Nhờ đó, tình hình vi phạm pháp luật bảo vệ rừng cơ bản được kiểm soát tốt hơn trong thời gian gần đây. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản ngày càng được tăng cường, nhiều vụ việc đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, tình trạng người dân xâm canh lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn còn tiếp diễn, ngày càng phức tạp; rừng và đất rừng tiếp tục có khả năng bị xâm hại, suy giảm, gây ảnh hưởng đến tỷ lệ che phủ rừng. Công tác kiểm tra, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế, tình hình vi phạm các quy định về QLBVR một số nơi chưa ngăn chặn triệt để, dẫn đến tình trạng người dân xâm canh lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn tiếp diễn và ngày càng phức tạp.

Theo các chủ rừng trên địa bàn tỉnh, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm lâm luật vẫn còn phức tạp là do quyền hạn của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn hạn chế, chỉ dừng lại ở mức độ phát hiện, lập biên bản vi phạm ban đầu, bảo vệ hiện trường và báo cáo cơ quan chức năng mà không có quyền bắt giữ người và tang vật vi phạm.

Do đó, các đối tượng phá rừng ngày càng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng giữ rừng. Đối với, các công ty lâm nghiệp gặp khó khăn là thiếu nguồn kinh phí để phục vụ công tác QLBVR, các hoạt động sản xuất, kinh doanh hầu như không triển khai được do không có nguồn vốn.

Minh Thuận - Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.