Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk "gồng mình" chống hạn

08:19, 10/05/2024

Gần 10 ngày qua, tại một số địa phương trên địa bàn huyện Krông Búk đã có mưa nhưng chưa đủ "giải hạn" cho cây trồng.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng NN-PTNT huyện, hiện có 1.047 ha cây trồng thiếu nước tưới do nắng hạn kéo dài; tập trung ở các xã: Ea Sin (775 ha), Cư Pơng (145 ha), Cư Né (127,7 ha)...

Xã Cư Pơng đón cơn mưa đầu mùa kéo dài khoảng 30 phút vào ngày 5/5 vừa qua, nhưng gia đình ông Y Sắc Adrơng (buôn Ea Brơ) vẫn không ngớt lo lắng bởi hơn 3 ha cà phê trồng xen canh sầu riêng đang thiếu nước trầm trọng, nhất là cây sầu riêng đang trong thời kỳ trổ hoa.

Rẫy của gia đình ông Y Sắc ở gần đập Ea Brơ. Mùa hạn năm 2016, nước dự trữ trong đập gần như cạn kiệt, khiến diện tích cà phê xung quanh đập bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để chống hạn, ông Y Sắc đã thuê máy xúc đào một ao trữ nước.

Đầu năm 2024, qua theo dõi thông tin dự báo thời tiết mùa khô năm nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khả năng gay gắt hơn do bị ảnh hưởng của El Nino, gia đình ông đã đầu tư 80 triệu đồng khoan thêm giếng.

“Dù đã chủ động tìm kiếm nguồn nước nhưng gần một tháng qua, tôi chỉ có thể tưới nước cầm chừng cho cây trồng bởi giếng khoan và ao của gia đình cũng cạn; nước dự trữ ở đập Ea Brơ cũng đã giảm ở mức báo động”, ông Y Sắc sốt ruột nói.

Đập buôn Ea Liăng (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) đã cạn trơ đáy.

Xã Ea Sin là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt hạn hán này. Toàn bộ 4.185 ha cây trồng của xã sử dụng nước tưới chủ yếu từ các công trình thủy lợi, nước suối và giếng đào, nhưng lượng nước đã sụt giảm nghiêm trọng. Hiện gần 200 hộ dân của xã ở các buôn: Ea Pông, Cư Kanh, Ea Sin, Cư M’tao cũng đang đối mặt với thiếu nước sinh hoạt.

Trước tình hình trên, chính quyền xã Ea Sin đã triển khai nhiều biện pháp chống hạn. Đảng ủy xã thành lập bốn đoàn công tác kiểm tra, đánh giá trữ lượng nước tưới còn lại tại các hồ, đập, và nước sinh hoạt ở các thôn, buôn; chỉ đạo chi bộ, ban tự quản các thôn, buôn đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống hạn; phát huy tinh thần san sẻ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhằm ứng phó với hạn hán trước mắt… “Địa phương bố trí 2 bồn đựng nước tại ngã ba buôn Cư M’tao; tận dụng nguồn nước từ giếng khoan của xã và một số hộ dân bên cạnh để cung cấp nước sinh hoạt hằng ngày cho người dân”, ông Vũ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Ea Sin cho biết.

Huyện Krông Búk có hơn 27.000 ha cây trồng các loại, trong đó diện tích cây trồng cần nước tưới khoảng 25.000 ha, gồm 20.415 ha cà phê, hơn 4.000 ha cây ăn quả các loại.

Trong khi đó, trên địa bàn huyện chỉ có 43 công trình thủy lợi, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tưới cho cây trồng, còn lại là phụ thuộc vào các khe, suối tự nhiên và ao, hồ do người dân tự đào.

Hiện nay, nguồn nước mặt, nước ngầm, dòng chảy tại các con suối, khe nhánh và ao, hồ trong dân, mạch nước ngầm trong giếng đào, giếng khoan mực nước thấp, giảm so với thời điểm các năm trước. Mực nước các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện cũng đã sụt giảm ở mức báo động, cụ thể: 11 hồ đã cạn kiệt, 21 hồ chứa còn trữ lượng nước dưới 50%, 5 hồ chứa dưới 70%, 4 hồ chứa dưới 80%, 2 hồ chứa trên 90%...

Theo dự tính của ngành nông nghiệp huyện, nếu hạn hán kéo dài trong thời gian tới, diện tích cây trồng bị thiệt hại khoảng 1.000 ha.

Bí thư Huyện ủy Krông Búk Nguyễn Hải Đông (bìa trái) kiểm tra tình hình nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Cư Pơng.

Để giảm thiểu thiệt hại do hạn xảy ra trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình nguồn nước; tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Qua đó, kịp thời nắm bắt thiệt hại do hạn hán gây ra và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn... Ngành nông nghiệp huyện đã chủ động phối hợp các các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân có biện pháp tủ rơm, lá khô tại gốc cây để tránh bốc hơi, thất thoát nước; tưới nước tiết kiệm; không tưới ồ ạt cùng một thời điểm…

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài cần bố trí cơ cấu cây trồng theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành và sự đồng thuận, hưởng ứng của nông dân toàn huyện.

Ngành nông nghiệp huyện đã đề xuất cấp kinh phí nâng cấp, sửa chữa các hồ đập thủy lợi nhằm nâng dung tích trữ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; đồng thời khuyến cáo bà con nông dân tuân thủ quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tránh mở rộng diện tích cây trồng ngoài quy hoạch một cách ồ ạt dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.